Giỏ hàng

Một Kiến trúc độc đáo của Chùa Xiêm Cán.

Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 10 km về hướng đông nam, chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất, đẹp nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Đông Nam Bộ. Với những đường nét hoa văn tinh xảo, được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2001.

Tòa sala trang trí tượng khắc rất nổi bật của dân tộc Khmer.

Tòa chánh điện mang kiến trúc Angkor của người Kkmer.

Chùa Xiêm Cán nằm trong khu vực vườn nhản Bạc Liêu, thuộc ấp Biển Đông B – Xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm Thành phố Bạc Liêu khoảng 10 km. Đây là nơi giáp ranh giữa Thành phố Bạc Liêu với Thị xã Vĩnh Châu – tỉnh Sóc Trăng. Vườn nhản Bạc Liêu nằm trên một dòng cát nổi, chiều ngang khoảng 2 km, chiều dài hơn 15 km, chạy dọc theo bờ biển giữa một bên vùng nước ngọt trồng lúa và một bên vùng nước mặn nuôi trồng thủy sản, sự giao thoa mặn ngọt đã tạo cho nhản Bạc Liêu một hương vị dịu ngọt rất đặc trưng, mà ở nơi khác không có được.

Bên trong chánh điện thờ Đức Phật và trang trí những hình vẽ quá trình tu hành của Phật.

Tượng Phật nằm ngay phía ngoài khuôn viên chùa.

Chùa Xiêm Cán theo tiếng Khmer là Komphisako, tức là biển sâu, ý nghĩa là sự sâu xa, sự uyên bác của trí tuệ nhà phật, ngoài ra chùa còn có tên theo địa danh là “ Komphirsakor prech chru”, có nghĩa là sông sâu, còn người địa phương thì gọi là chùa Xiêm Cán. Xưa kia khi mới xây dựng chùa cách bờ biển khoảng 500 mét, xong do bờ biển Bạc Liêu là vùng biển bồi, nên bây giờ

khoảng cách từ chùa đến biển gần 5 km. Bao quanh chùa là một hàng rào xây kiên cố, với nhiều hoa văn ấn tượng, trong khuôn viên chùa có rất nhiều cây xanh cao to được trồng ngay hàng thẳng lối.

Cổng Tam  Quan chùa Xiêm Cán nổi bật đậm sắc thái Khmer.

Cổng thứ hai trong chùa Xiêm Cán cũng rất đẹp với màu sắc sặc sỡ có nét đẹp văn hóa của người Khmer.

Cổng chùa Xiêm Cán quay ra hướng biển Đông, nơi có nhà điện gió Bạc Liêu đang ngày đêm hoạt động, cung cấp nguồn năng lượng sạch cho đất nước. Cổng chùa quay ra hướng biển Đông còn mang một ý nghĩa tâm linh, vì theo quan niệm của người Khmer, con đường tu hành để đạt thành chính quả của Đức Phật, đi từ Tây sang Đông. Cổng chùa là một kiến trúc khá đa dạng, ở giữa tam quan là một phù điêu lớn hình bán nguyệt chạm hình Phật, phía trên là một tháp nhọn, hai góc chân phù điêu là hình bán nguyệt có tượng hai Rắn thần hướng ra hai tháp nhọn khác ở hai bên. Bảng tên chùa là hai chim thần, còn hai bên tam quan là hai con Rắn năm đầu. Người Khmer quan niệm rằng, tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này và con Rắn trở thành biểu tượng hướng đến cái thiện.

Người Khmer rất coi trọng những ngôi chùa. 

Người Khmer luôn đóng góp để xây dựng chùa ngày càng lớn mạnh.

Toàn bộ khuôn viên chùa Xiêm Cán rộng khoảng 4,5 heta, bao quanh bằng bức tường rào chạm khắt Rắn thần Naga và nhiều hoa văn sặc sở, bên trong có rất nhiều cây cổ thụ nhưng nổi bật nhất là vườn sao tuổi thọ hơn 100 năm tuổi. Có lẻ từ khi thành lập chùa, ngoài việc trang hoàng cho những nơi thờ tự thì trồng cây là việc làm của các vị sư và đồng bào Phật tử rất chú trọng, trên cây còn một số loài chim làm tổ, cây cổ thụ trong khuôn viên chùa tạo cho một không gian xanh thanh khiết, yên bình vừa mang nét trang nghiêm của Phật giáo.

Chùa Xiêm Cán là quần thể mang kiến trúc đậm nét sắc thái Khmer, gồm nhiều công trình như: Chánh điện, Sala ( còn gọi là giảng đường ), Tăng phòng, am, Tháp cốt được bố trí khá hài hòa. Trong các công trình nầy Chánh Điện là nơi quan trọng nhất của ngôi chùa.

Mái chùa cong, xếp tầng theo kiến trúc Angkor. 

Chánh điện đươc xây dựng ở trung tâm khuôn viên chùa trên 3 cấp, nền cao 4 mét, theo trục Đông Tây với chiều cao đó phải xây 18 bậc thang để  đi lên, Chánh điện xây theo hình chử nhật, rộng 18 mét, dài 36 mét, mặt chính quay ra hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, Đức Phật thường ngồi ở hướng Tây để nhìn về hướng chúng sinh để giáo hóa và ban ân huệ.

Toàn bộ chánh điện có hơn 100 cây cột bê tông tròn, nơi tiếp giáp giữa  cột và mái, rắn thần Naga trong tư thế ngóc lên, sự kết hợp đầu , thân và đuôi rồng đã tạo nên hình ảnh của những chiếc thuyền đang đua bơi. Hình ảnh rắn thần Naga trên mái chùa , chính là mong muốn Đức Phật dừng lại ở chùa mình để  ban phước.

Phù điêu nữ thần trên các cột nhà

Bên trong chánh điện được bày trí khá đơn giản với một bàn thờ cao 3 tầng, trên đó là một bệ tượng hình bán nguyệt cao gần 2 mét và được chia thành 7 bậc, ở đó thờ tượng Phật Thích Ca to lớn, bên dưới la rất nhiều tượng Phật Thích Ca nhỏ với nhiều kích cở tư thế khác nhau, để diễn tả các thời kỳ hoán thân của Phật. Dân tộc Khmer đi theo Phật giáo tiểu thừa, coi Phật Thích Ca diều dắt dẫn đường cho chúng sinh thoát khỏi lẩn quẩn của luân hồi, để trở về cỏi niết bàn. Hiện nay trong số 22 ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu thì ngôi chùa Xiêm Cán là ngôi chùa lớn nhất, đẹp nhất và lộng lẩy nhất. Với những kiến trúc độc đáo, tuổi đời hơn một thế kỷ. Chủ trì Dương Quân cho biết thêm : “ Chánh điện của ngôi chùa rất quan trọng, là nơi sinh hoạt tôn giáo, như các Sư tu lên Tỳ kheo và chứng nhận cho các Sư lên Tỳ kheo hoặc lễ nhâp hạ hay lễ dâng y .”

Khu tháp mộ trong chùa 

“Chùa là nơi cho đồng bào Khmer dựa vào như là chỗ dựa tin thần, tin tưởng cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ gắn liền với chùa cũng như đi theo đạo đi theo sự bình an, chùa là nơi để gửi tâm linh, linh hồn của Ông bà, cha mẹ của đồng bào dân tộc Khmer.”

Bia đá được đặt lên ngôi chánh điện được tạc bằng chữ Khmer dạng cổ, ở cả hai mặt nói về lịch sử hình thành. Theo đó, chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1887 âm lịch. Sau một năm hoàn thành, người dân trong phum (phum là một kiểu cụm dân cư và nhiều phum hợp thành sóc - phum sóc)đến thỉnh pháp sư Thạch Mao (sinh năm 1829 mất năm 1909 ) đến Trụ Trì. Trãi qua hơn 100 năm chùa Xiêm Cán đã qua 8 vị Sư chùa Trụ Trì và hiện nay là Đại Đức Dương Quân.

Tượng rắn 5 đầu tại tăng phòng trong chùa Xiêm Cán.

Có thể nói chùa Xiêm Cán là một trong những chùa Khmer đẹp nhất ở Đồng bằng Nam bộ, Chùa thường xuyên được trùng tu, tái tạo, bổ sung cho nhiều hạng mục công trình để ngày càng hoàn thiện. Chùa Xiêm Cán là hiện thân của những công trình nghệ thuật kiến trúc  Angkor của người Khmer, mang nét truyền thống của nét đẹp xưa . Khi đến đây du khách còn hiểu được nét văn hóa tín ngưỡng, đời sống của dân tộc Khmer vùng Nam bộ. Vì vậy, nếu có dịp về Bạc Liêu, du khách đừng bỏ qua địa điểm du lịch đặc sắc này nhé.

Trọng Nghĩa

Facebook Youtube Top