Giỏ hàng

Tháp Vĩnh Hưng - Dấu tích của thời gian

Tháp Vĩnh Hưng tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, Xã Vĩnh Hưng A, Huyện Vĩnh Lợi, Tỉnh Bạc Liêu. Cách Thành phố Bạc Liêu 20km đi về hướng Tây Bắc, đây là di tích đã được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo cấp quốc gia năm 1992.

Cổng vô di tích tháp cổ Vĩnh Hưng. (Ảnh: Phan Thanh Cường)

Tháp Vĩnh Hưng đã trải qua nhiều lần được khảo sát. Từ năm 1911, tháp đã được ông Lunet de Lajonquiere phát hiện dưới tên gọi tháp Trà Long. Năm 1917, ông Henri Parmentier tiếp tục khảo sát và công bố kết quả khảo sát trong tập san của Trường Viễn đông Bác Cổ Pháp (BEFEO) với tên gọi mới: tháp Lục Hiền. Đến tháng 5/1990, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội TP. HCM (nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Minh Hải đã đến khảo sát và đào một hố thám sát, phát hiện một số hiện vật như đầu tượng thần, minh văn, bàn nghiền, Linga - Yoni… Từ đây, niên đại di tích tháp được xác định từ thế kỷ VII - VIII sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển của nền văn hóa Óc Eo.

Tháp cổ Vĩnh Hưng tại ấp Trung Hưng 1B-Xả Vĩnh Hưng A - Huyện Vĩnh Lợi - Thành Phố Bạc Liêu. (Ảnh: Phan Thanh Cường)

Tháp cổ Vĩnh Hưng là một công trình kiến trúc, có giá trị về mặt văn hóa lịch sử, còn lại duy nhất tại Đồng bằng Nam bộ. Được xây dựng trên mãnh đất có diện tích rộng khoảng 100m2, cửa chính Tháp quay về hướng tây, được phát hiện cách đây 26 năm.

Tháp có lối kiến trúc cổ của thời văn hóa Óc Eo, khá đơn giản, chân tháp hình Tứ giác có ba góc vuông, tượng trưng cho năng lượng phát triển, đặc biệt thích hợp cho hướng Đông và Đông Nam của ngôi Tháp, được xây bằng gạch nung kết dính với nhau, đường nét rắn rỏi hình trụ tạo thành thế đứng vững chãi, không có chất kết dính nào được sử dụng, ngày nay có người nghĩ rằng người xa xưa đã xếp gạch rồi nung cho cả khối tháp.

Tháp có kết cấu liên kết nhỏ dần lên đỉnh, tạo ra nhiều góc cạnh, cho toàn bộ công trình tháp là một kiến trúc nghệ thuât độc đáo vững chắc và công phu. Chiều cao của tháp là 8,2m, chân tháp hình chữ nhật có kích thước 5,6m x 6,9m…được kết nối ba mặt Đông – Nam - Bắc.

Trong tháp có một bàn tay tượng thần bằng đồng và bộ Linga-Yoni bằng đá tượng trưng cho âm – dương ngũ hành, trời và đất, biểu hiện của hai mặt âm dương trong vũ trụ, thể hiện sự sinh sôi sáng tạo và sự sinh tồn của loài người. Một số vật thờ như: Đá quý, đồng, gốm...Của nền Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên.

Đây không chỉ là một kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc nền văn hóa óc Eo, chịu sự ảnh hưởng của nền Văn hóa Ấn Độ rất đậm nét, thể hiện qua kiến trúc và tín ngưỡng tôn giáo…

(Ảnh: Phan Thanh Cường)

Vì vậy, có thể nói rằng đền Tháp là nơi tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng kiến trúc độc đáo của nền văn hóa Óc Eo - Phù Nam…là một di sản văn hóa lịch sử quan trọng của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Theo anh Đặng Văn Khoa, là người trực xuyên suốt tại tháp Vĩnh Hưng cho biết: “mỗi tháng có khoảng vài trăm lượt khách du lịch đến tham quan. Riêng vào dịp lễ thì có khi có đến hàng ngàn lượt khách tham quan”…

Hiện nay được UBND tỉnh rất quan tâm, đầu tư kinh phí trùng tu, xây dựng nhiều hạng mục công trình mới, luôn xứng tầm môt di tích văn hóa mang tính chất lịch sử cấp quốc gia. Không chỉ là di tích thắng cảnh, mà còn dấu son sáng, ghi dấu một thời oanh liệt của quân dân Bạc Liêu trong những ngày quê hương bị dày xéo bởi bom đạn chiến tranh.

Cửa chính Tháp cổ Vĩnh Hưng được xây dựng với cấu trúc khá đơn giản, Chân tháp hình tứ giác ba góc vuông (chữ nhật)

Trong nhiều năm liên tiếp, du khách đến với Bạc Liêu liên tục tăng trưởng. Điều đó chứng tỏ Du lịch Bạc Liêu ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách và thực sự trở thành một điểm đến lý tưởng tạo tiền đề cho Du lịch Bạc Liêu xây dựng và phát triển.

Giờ đây tháp Vĩnh Hưng là điểm đến du lịch đầy tiềm năng vùng sông nước Nam Bộ hữu tình của người Bạc Liêu mến khách.

Trọng Nghĩa

Facebook Youtube Top