Giỏ hàng

103 năm ra đời bản 'Dạ cổ hoài lang'

Bạc Liêu tự hào là quê hương của bản 'Dạ cổ hoài lang', bản nhạc lòng bất hủ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mang đậm nét trữ tình của đất và người phương Nam, vượt qua không gian và thời gian làm nên sự trường tồn cho một thể loại âm nhạc độc đáo trong dòng chảy âm nhạc dân tộc.

Tối ngày 6/9, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức lễ kỷ niệm 103 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang (1919 - 2022) và Ngày sân khấu Việt Nam lần thứ XIII.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết, việc tổ chức kỷ niệm 103 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các bậc tiền nhân đã có công đóng góp cho quá trình ra đời và phát triển bản vọng cổ - Bài ca vua trong sân khấu cải lương.

Cách đây 103 năm, đúng vào đêm rằm tháng 8 năm 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là phường 2, Thành phố Bạc Liêu) xuất hiện một tác phẩm văn học nghệ thuật độc đáo, làm rung động lòng người, đó là bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trải qua 103 năm, bản "Dạ cổ hoài lang" đã dần lột xác từ nhịp đôi đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 và trở thành bài ca trụ cột trong loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ.

 Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Văn Đông)

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Văn Đông)

Bạc Liêu tự hào là quê hương của bản "Dạ cổ hoài lang", bản nhạc lòng bất hủ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mang đậm nét trữ tình của đất và người phương Nam, vượt qua không gian và thời gian làm nên sự trường tồn cho một thể loại âm nhạc độc đáo trong dòng chảy âm nhạc dân tộc.

Hơn 100 năm qua, bản "Dạ cổ hoài lang" vẫn làm rung động hàng triệu con tim người Việt và tiếp tục khơi nguồn cho dòng chảy vọng cổ xuyên suốt trong lịch sử âm nhạc của Việt Nam. Mỗi giai đoạn phát triển, bản "Dạ cổ hoài lang" lại tự hoàn thiện mình, không ngừng thâm nhập sâu rộng trong lòng khán - thính giả và người hâm mộ. Chính bản "Dạ cổ hoài lang" đã góp phần vinh danh cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, tác giả, soạn giả sân khấu cải lương.

Trong những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã ra sức giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật của bản "Dạ cổ hoài lang". Trong đó, mở nhiều lớp hướng dẫn, truyền dạy hát bài “Dạ cổ hoài lang” và các điệu thức trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ cho học sinh, sinh viên, các hội viên và nhân dân; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tìm hiểu sự ra đời và giá trị nghệ thuật bản "Dạ cổ hoài lang"...

Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đề nghị các cấp, ngành tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa với tính chất là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển; là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng trong phát triển bền vững.

Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 Một tiết mục biểu diễn phục vụ khán giả tại Lễ kỷ niệm 103 năm ra đời bản "Dạ cổ hoài lang". (Ảnh: Văn Đông)

Một tiết mục biểu diễn phục vụ khán giả tại Lễ kỷ niệm 103 năm ra đời bản "Dạ cổ hoài lang". (Ảnh: Văn Đông) 

Đồng thời, quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa, con người Bạc Liêu đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa và đạo lý xã hội; xây dựng Bạc Liêu là điểm đến hấp dẫn, hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp cao, con người mến khách, thân thiện, nghĩa tình.

Tại lễ kỷ niệm, nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc đã được biểu diễn phục vụ khán giả./.

Nguồn ĐCSVN

Facebook Youtube Top