Giỏ hàng

15 năm xây dựng môi trường văn hóa học đường: Góp phần hình thành thương hiệu Trường đại học Bạc Liêu

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng góp phần bồi dưỡng, hình thành nên phẩm chất, nhân cách của cả thầy lẫn trò. Do đó, các cơ sở đào tạo từ bậc phổ thông đến đại học đều quan tâm đến việc xây dựng môi trường văn hóa học đường thân thiện, tốt đẹp.

TS. Từ Diệp Công Thành - Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu khen thưởng sinh viên đạt thành tích “Sinh viên 5 tốt” năm 2020.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Trường đại học Bạc Liêu đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu, nhất là trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường đại học Bạc Liêu luôn nỗ lực, phấn đấu về chuyên môn, nghiệp vụ; chấp hành tốt các quy định của đơn vị; điều quan trọng nữa là trong giao tiếp, ứng xử, luôn biết đặt mình vào trường hợp người khác để thấu hiểu, cảm thông, đồng thời biết cách nhận ra những điểm tích cực để động viên, khuyến khích mọi người bộc lộ ý kiến riêng của mình theo phương châm “tất cả vì sự phát triển chung của nhà trường và sự trưởng thành của mỗi cá nhân”.

Đặc biệt, khi giao tiếp, ứng xử với sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên luôn là tấm gương sáng, mẫu mực trong mọi hoàn cảnh để các em học tập, noi theo. Các thầy cô luôn lấy chính nhân cách, phẩm chất của mình để giáo dục, định hướng các em trở thành công dân có phẩm chất tốt trong tương lai. Mỗi giờ lên lớp, thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn luôn có ý thức tạo bầu không khí giao tiếp thật sự gần gũi, cởi mở và dân chủ giữa thầy và trò. Từ đó tạo cảm giác thoải mái và giúp cho các em say mê học tập, tự tin bộc lộ những suy nghĩ, ý tưởng của mình mà không e ngại, dè dặt. Điều này đã góp phần tạo dựng nên môi trường văn hóa trong giáo dục - đào tạo của trường thời gian qua.

Còn đối với đồng nghiệp, bên cạnh sự tôn trọng, thân ái trong xã giao, trong công việc chuyên môn, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên luôn có ý thức tương trợ, giúp đỡ, chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu vai trò là người lãnh đạo thì luôn lắng nghe mọi ý kiến đóng góp và quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người cấp dưới. Còn vai trò là người cấp dưới thì luôn chấp hành và tuân thủ những quy định của đơn vị đề ra, tránh việc bất tuân thủ những nhiệm vụ được giao. Từ đó tạo được sự hài hòa, thân mật và tôn trọng lẫn nhau, giúp đơn vị luôn giữ vững vị trí trong sạch, vững mạnh.

Nhân tố thứ hai góp phần quan trọng xây dựng nên môi trường văn hóa học đường ở đơn vị, đó chính là các em sinh viên. Ấn tượng về nét đẹp văn hóa học đường của Trường đại học Bạc Liêu là tà áo dài tím thướt tha, duyên dáng, là việc chấp hành tốt những nội quy của trường như ra vào lớp đúng giờ quy định, “đi nhẹ, nói khẽ” nơi cầu thang, giữ gìn vệ sinh khuôn viên trường và lớp học, không xả rác bừa bãi, bảo vệ tài sản, vật chất của công… Đặc biệt, thái độ tôn trọng thầy cô được thể hiện qua những giờ lên lớp, các em có điều gì muốn trao đổi thì giơ tay xin phát biểu, trình bày ý kiến một cách nhã nhặn, khiêm tốn. Còn ngoài giờ lên lớp, các em khi gặp thầy cô luôn lễ phép cúi đầu chào, thể hiện sự tôn trọng, kính nể…

Để góp phần hình thành nên văn hóa học đường còn có các sự kiện lớn ở đơn vị được tổ chức như lễ tri ân thầy cô (20/11), lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học… Đây là dịp để tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên thể hiện văn hóa giao tiếp, tình cảm với nhau. Từ đó tạo nên môi trường văn hóa học đường ngày càng lành mạnh, tốt đẹp hơn

Sinh viên Trường đại học Bạc Liêu trong ngày tốt nghiệp ra trường. Ảnh: H.T

Ngoài ra, các hoạt động, phong trào văn - thể - mỹ cũng góp phần xây dựng văn hóa học đường lành mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, qua các cuộc thi Olympic Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm hiểu lịch sử địa phương… đã giáo dục sinh viên ý thức về truyền thống dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, đồng bào... Hay qua các hoạt động ngoại khóa, thực tế chuyên môn đã giúp sinh viên mở rộng kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cần thiết, cũng như tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em. Các hoạt động xã hội như: “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo”, “Vì người nghèo”… cũng đã định hướng cho sinh viên có lối sống lành mạnh, ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng; là dịp để sinh viên trui rèn bản thân, chủ động, tích cực hơn trong học tập, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng làm việc theo nhóm… Tất cả đã tạo cho văn hóa học đường ngày thêm lành mạnh và hun đúc, hình thành nên những nhân cách, lý tưởng sống đẹp trong sinh viên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường và tự tin khi bước vào đời để phụng sự quê hương, đất nước.

Có thể khẳng định, việc xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện là yêu cầu hết sức quan trọng đối với cơ sở giáo dục - đào tạo, trong đó có Trường đại học Bạc Liêu. Để xây dựng nên môi trường văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp có rất nhiều yếu tố liên quan, nhưng mối quan hệ giữa giảng viên với sinh viên và giữa đồng nghiệp với nhau được xem là yếu tố cốt lõi nhất tạo dựng nên những giá trị tốt đẹp và đầy nhân văn. Bởi việc tạo lập được mối quan hệ thân thiện, tốt đẹp ấy đã góp phần đảm bảo yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Chính điều này đã giúp Trường đại học Bạc Liêu tạo lập được thương hiệu và uy tín trong giai đoạn đổi mới giáo dục - đào tạo hiện nay.

Tháng 11/2021, Trường đại học Bạc Liêu tròn 15 năm tuổi. Với nền tảng xây dựng được, thầy và trò sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đơn vị nhằm khẳng định nơi đây là môi trường rèn đức - luyện tài đáng tin cậy cho thế hệ trẻ, đã và đang đóng góp nguồn nhân lực trí thức cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo BLO

Facebook Youtube Top