25 năm sau bão Linda: Vượt lên bão dữ
Ngày này 25 năm trước (2/11/1997), bão số 5 (bão Linda) đổ bộ vào khu vực Nam Bộ, gây nhiều đau thương, mất mát. Tại vùng ven biển Cà Mau, ngành chức năng thống kê có hơn 1.800 người chết, bị thương và mất tích, hơn 160 nghìn căn nhà bị hư hỏng, hơn 570 tàu cá bị nhấn chìm, hỏng hóc… Tổng thiệt hại tài sản là hơn 2.700 tỷ đồng. Khi mà thời điểm ấy, 1 lượng vàng chỉ vài triệu đồng, thì thiệt hại trên quả là khủng khiếp…
Đài tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão Linda tại miền biển xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Miền biển Khánh Hội của huyện U Minh là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn bão Linda. Bão qua để lại quê biển ấy những “làng góa phụ”, “xóm không chồng”.
Đó là những vết thương lòng khó có thể bù đắp, tưởng chừng làm gục ngã và khiến gia đình ngư dân đi vào ngõ cụt. Nhưng không…, họ đã nén đau thương thành động lực, sức mạnh để vươn lên.
Gượng dậy sau bão
Biện Nhị, Kênh Xáng Mới, Chệt Tửng, Lung Lá... là những nơi có nhiều ngư dân đi biển bị chết nhiều nhất ở địa bàn xã Khánh Hội.
Chỉ riêng khu vực Kênh Xáng Mới (nay thuộc ấp 3, 4, 6, 7, 8 của xã Khánh Hội), có không dưới 140 gia đình có phụ nữ mất đi trụ cột, thành “làng góa phụ”. Lật lại quyển sổ tay đã úa nhàu theo thời gian, ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, tiết lộ.
Trò chuyện với phóng viên trong ngày mưa lất phất, ông Đảm liệt kê hàng loạt gia cảnh bi thương.
Nặng nhất là hộ ông Trần Văn Cò, có 6 người thân tử nạn (3 em trai, 2 người anh rể và 1 người cháu).
Nếu tính luôn bà con xa, dòng họ ông Cò có hơn 20 người thân “đi mãi không về” vì bão Linda. Cùng cảnh trên, hộ bà Trần Thị Mỹ Tiên, có 2 người anh ruột chết ngoài khơi, gia đình bà Trần Thị Lăng có 2 tàu câu mực và người chồng “một đi không trở lại”…
Kể lại thời khắc đau buồn năm xưa, bà Trần Thị Diệu (53 tuổi, em chồng bà Lăng) ở kênh Xáng Mới, buông giọng buồn so: “Má tôi một lúc mất đi 3 người con trai, 2 con rể và 2 cháu ngoại. Trong 7 người mất tích ấy có chồng bà. Chồng mất khi đứa con lớn vừa 5 tuổi, đứa kế 3 tuổi, đứa nhỏ vừa chào đời 3 tháng”.
Dù vắng đi trụ cột nhưng bà Diệu vẫn ở vậy nuôi con. Cả em dâu, chị gái, em gái của bà cũng thế. Theo chia sẻ của người phụ nữ này, chuyện buồn rồi cũng nguôi ngoai, phải gắng gượng dậy để nuôi con, tái tạo lao động cho xã hội, không phụ lòng sự chia sẻ, giúp đỡ chân tình của chính quyền và các nhà hảo tâm.
Trong một thời gian dài, sự giúp sức về của cải, vật chất… từ những tấm lòng hướng về tâm bão trở thành “liều thuốc” chữa lành dần những vết thương lòng cho cư dân quê biển, giúp họ thêm niềm tin xa khơi, bám biển.
Như hộ ông Cò, sau cơn bão, gia đình tiếp tục đóng mới tàu cá, tiếp tục vươn khơi.
Tương tự, bà Lý Hồng Mận (57 tuổi) ở miền biển Khánh Hội, có chồng là lính Biên phòng xuất ngũ, bị tử nạn trong cơn bão Linda. Dù phải vắng đi “trụ cột” nhưng bà vẫn ở vậy nuôi con, cất được nhà cửa, con cái được chăm lo ăn học đàng hoàng, có việc làm ổn định.
Thắp hương tưởng niệm 25 năm đồng bào tử nạn trong cơn bão Linda tại quê biển Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Khá nhiều trường hợp ở Khánh Hội vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con, trong đó có gia đình bà Lư Thị Dướng, Quách Thị Sen, Nguyễn Thị Cẩm (ấp 2) và Trần Thị Siếu (ấp 4)…
“Với nghị lực bền bỉ của cư dân miền biển, các “góa phụ” từng bước vượt qua nỗi đau, kiên trì lao động bằng nhiều nghề chân chính để nuôi con khôn lớn, ước mơ vươn khơi bám biển được chính con, cháu họ tiếp nối”, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội chia sẻ.
25 năm sau cơn bão Linda, phải rất khó khăn chính quyền các cấp ở Cà Mau mới tái thiết, ổn định, vực dậy cuộc sống của ngư dân quê biển.
Từ nguồn vốn của Chính phủ cho vay sau bão, hàng trăm tàu cá ở Cà Mau được đầu tư đóng mới, sửa chữa, nâng cấp để xa khơi.
Hàng trăm tỷ đồng đã được chính quyền Cà Mau đổ vào đầu tư thực hiện nạo vét luồng tàu, hệ thống phao tiêu, đèn báo hiệu, trụ neo đậu tàu thuyền trú bão cho tàu cá kết hợp với bến cá.
Đi cùng đó là các chính sách về hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm…
Một người vợ ở xã Khánh Hội, có chồng “đi mãi không về” bùi ngùi trước đài tưởng niệm 25 năm cơn bão Linda.
Nhờ sự trợ giúp từ Trung ương và những tấm lòng hảo tâm gần xa, mà nhà dân bị hư hỏng được hỗ trợ xây cất, sửa chữa lại; tàu cá bị chìm, hư hỏng được hỗ trợ sửa chữa, đóng mới để vươn khơi.
Cộng với các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm… mà đến giờ, phần lớn những gia đình bị thiệt hại trong cơn bão ở xã Khánh Hội đã cải thiện được cuộc sống.
Đến nay, Khánh Hội chỉ còn 4,29% hộ nghèo, cận nghèo còn 1,66%, thu nhập bình quân đầu người hơn 53,4 triệu đồng - đồng chí Đoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện ủy U Minh chia sẻ.
Bài học quý phòng bão từ xa
Những ngày qua, Cà Mau ráo riết các hoạt động tưởng niệm nạn nhân xấu số trong cơn bão số 5 xảy ra vào những ngày đầu tháng 11/1997.
Tại miền biển Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng và đoàn thể… tổ chức thắp hương tưởng niệm các nạn nhân xấu số.
Hoạt động trên còn nhằm nhắc nhở, tuyên truyền nhân dân địa phương không được chủ quan, lơ là trước bão, chủ động phòng tránh để giảm thiểu rủi ro do thiên tai.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai, công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức luôn được tỉnh duy trì hằng năm, giúp nhân dân nắm rõ, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống lụt bão, tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Khi có thông tin áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện trên biển, người dân trong tỉnh đều được tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ và biện pháp tránh, trú bão an toàn.
Cà Mau còn xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết, triển khai tốt công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Các Đồn Biên phòng thường xuyên liên lạc, thông tin, dự báo kịp thời cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên đang hoạt động trên ngư trường nắm rõ diễn biến của áp thấp nhiệt đới hoặc hướng đi của cơn bão để nhanh chóng tìm nơi tránh trú an toàn, ông Hoai nói.
Khu vực tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão Linda ở xã Khánh Hội thường xuyên diễn ra các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng.
Đến nay, Cà Mau phát triển đội tàu khai thác hải sản hơn 3.800 chiếc, trong đó khoảng 50% tàu khai thác xa bờ, tăng nhiều so với thời điểm trước khi xảy ra bão Linda.
Trên những chiếc tàu xa khơi ấy, ngư dân ý thức trang bị đầy đủ phao cứu sinh, định vị, thiết bị vô tuyến, viễn thông… để có thể tiếp nhận thông tin thời tiết ở bất cứ vị trí nào trên biển, góp phần giảm thiểu rủi ro khi có thiên tai ập đến bất ngờ.
Trong đất liền và các vùng ven biển, chính quyền và các đơn vị chức năng củng cố, hoàn thiện lực lượng ứng phó, cứu hộ cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ khi có tình huống thiên tai.
Bài kiểm tra gần đây nhất cách nay tròn 5 năm, đúng vào ngày đầu tháng 11/2017, áp thấp nhiệt đới gió mạnh đến cấp 9 dự báo vào vùng biển và đất liền khu phía nam của Cà Mau.
Nhiều “góa phụ” ở xã Khánh Hội thay chồng nuôi con với các nghề chân chính ven biển.
Chủ động trước tình huống bất lợi có thể xảy ra, hệ thống phòng, chống bão các cấp ở Cà Mau trong tình thế sẵn sàng ứng phó ở mức cao nhất.
Trong 24 giờ trước khi dự báo bão vào đất liền, các tàu cá ở Cà Mau được lực lượng chức năng kêu gọi di chuyển vào đất liền hoặc tìm nơi tránh trú bão an toàn.
Trong bờ, hệ thống tuyên truyền được “mở toang” và vận hành liên tục. Các cấp chính quyền còn cắt cử lực lượng đến vận động, giúp đỡ nhân dân chằng néo nhà cửa.
Tại các chợ, người dân nườm nượp mua thiết bị gia cố nhà (dây thừng, bao đựng cát) và nhu yếu phẩm dự trữ… phòng khi bão đến.
Tuy áp thấp sau đó đổi hướng và không ảnh hưởng đến Cà Mau nhưng động thái chủ động của người dân cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trong phòng, chống bão, ông Phan Hoàn Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau đánh giá và cho biết: Ngày trước, khi thông báo bão, nhân dân lơ là, chủ quan, thậm chí không tin. Nhưng giờ, mới nghe “rục rịch” là bà con chủ động chằng néo nhà cửa.
Đó là một trong những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân từ sau thảm họa cơn bão Linda. Chính rủi ro đã làm thay đổi tư duy và nhận thức của nhân dân miền biển Cà Mau.
Ngư dân Cà Mau tiếp tục vươn khơi với các tàu công suất lớn, chủ động các thiết bị thông tin, liên lạc để phòng, tránh bão dữ.
Người dân Cà Mau mãi không quên hình ảnh tàn phá thảm khốc của bão Linda.
Chính sự thảm khốc ấy đã giúp cư dân ven biển mạnh mẽ hơn để vượt lên khó khăn, và ý thức hơn các mối nguy từ biển.
Đó cũng là động lực để những đứa trẻ một thời được mẹ đặt tên “Bão Biển”, “Hận Biển”… khi mới lọt lòng, nay tiếp tục vững tin xa khơi, bám biển.
Họ giờ đây ý hơn, trang bị nhiều hơn các thiết bị an toàn và liên lạc từ xa để chủ động phòng, tránh thiên tai, tránh tái diễn những “Làng góa phụ”, những “Xóm không chồng” ở vùng quê ven biển…!