Bệnh viện truyền máu huyết học hiện đại nhất Việt Nam khánh thành
Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cơ sở 2 quy mô 300 giường, nhiều kỹ thuật cao hiện đại, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, khánh thành ngày 19/5.
Tiến sĩ, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, cho biết bệnh viện cơ sở cũ (cơ sở khám chữa bệnh trên đường Phạm Viết Chánh, quận 1) tiếp nhận khoảng 400 lượt bệnh ngoại trú, 250 bệnh nhân nội trú mỗi ngày trên công suất khoảng 200 giường bệnh, nên những năm qua luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh viện mới ở huyện Bình Chánh được xây dựng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân đồng thời giải quyết tình trạng quá tải ở cơ sở cũ.
Như vậy, từ nay, hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở cũ của viện Huyết học trên đường Phạm Viết Chánh sẽ chuyển về bệnh viện mới ở huyện Bình Chánh.
Bệnh viện mới được xây dựng trên diện tích 2,1 ha, tổng diện tích sàn khoảng 35.000 m2, tức gần 120 m2 trên một giường bệnh, đạt chuẩn quốc tế. Khuôn viên bệnh viện thoáng đãng, phân luồng lưu thông riêng biệt cho người bệnh, nhân viên, khách, bộ phận hậu cần. Phòng bệnh thoáng mát, lấy được ánh sáng mặt trời, đảm bảo tiêu chí xanh sạch đẹp.
"Đa số bệnh nhân lĩnh vực huyết học cần điều trị bằng thuốc gây độc tế bào, tức giảm tế bào máu, ức chế miễn dịch, nên cần nằm điều trị ở môi trường sạch sẽ, thậm chí cần khu vực lọc khí đạt chuẩn để hóa trị liệu liều cao trong giai đoạn suy tủy, ghép tế bào gốc tạo máu...", bác sĩ Dũng giải thích.
Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cơ sở 2 tại huyện Bình Chánh khánh thành sáng 19/5
Ngoài các trang thiết bị hiện đại đã có, bệnh viện đầu tư thêm các kỹ thuật cao như giải phẫu bệnh tế bào học, di truyền học, sinh học phân tử, giải trình tự gene... Nơi đây cũng có thể thực hiện hầu hết các xét nghiệm phục vụ người bệnh, không cần gửi mẫu ra ngoài nữa. Như vậy, quy trình xét nghiệm nhận kết quả được khép kín, đẩy nhanh tiến độ chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Đây là bệnh viện chuyên về huyết học hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Nguồn vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, nguồn vay vốn kích cầu và tiền của bệnh viện.
Theo bác sĩ Dũng, bệnh viện đang nỗ lực đạt chứng nhận quốc tế JCI, thêm cơ hội điều trị cho bệnh nhân nước ngoài. Các y bác sĩ sẽ liên tục cập nhật các phác đồ mới nhất, mong muốn bệnh nhân Việt Nam không phải ra nước ngoài điều trị. Lãnh đạo bệnh viện kỳ vọng nơi này sẽ sớm ngang tầm khu vực vào năm tới, thay vì đến năm 2025 như dự kiến.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam ghi nhận nỗ lực của các đơn vị đã vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 để sớm hoàn thành xây dựng bệnh viện. Đây là bệnh viện thứ hai hoạt động trong cụm y tế Viện - Trường quy mô hiện đại tại huyện Bình Chánh, sau Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Thời gian tới, nơi này sẽ có các công trình khác như Trung tâm xét nghiệm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Ngân hàng máu, Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Bình Dân cơ sở 2... Tổng diện tích xây dựng cụm y tế Viện - Trường này là 73 ha.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, cơ sở 2, ngày 19/5.
Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM là chuyên khoa hạng một, tuyến cuối của khu vực phía Nam, một trong những bệnh viện hàng đầu cả nước về truyền máu và huyết học. Ngoài phục vụ khám chữa bệnh, nơi này còn phát triển hai lĩnh vực là ngân hàng máu và ngân hàng tế bào gốc.
PV