Cà Mau: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Để sản phẩm OCOP vươn xa, ngoài chuyện đẩy mạnh xúc tiến thương mại thì việc đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, hộ sản xuất... là yêu cầu cấp bách và cần thiết.
Vài năm gần đây, nhiều địa phương ở ĐBSCL tập trung thực hiện chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) theo chiều sâu cả về sản lượng lẫn chất lượng, với mong muốn góp phần đưa các sản phẩm này đến gần người tiêu dùng trong nước hơn và vươn ra thị trường quốc tế.
Tại Cà Mau, OCOP không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn mang lại hiệu quả rõ nét trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chương trình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân - từ sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang nền kinh tế thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2021, tuy ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng Cà Mau vẫn phát triển thêm 44 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên là 77. Hiện nay, Cà Mau xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 4 tại ĐBSCL trong danh sách các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Chế biến Thương mại Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (Cà Mau), cho biết khi sản phẩm chả cá phi chưa được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao thì HTX chủ yếu bán cho khách hàng thân thiết nên tiêu thụ rất hạn chế. "Khi chả cá phi được công nhận đạt chuẩn OCOP thì sản phẩm của chúng tôi được nhiều người tiêu dùng biết đến, sức tiêu thụ cũng tăng" - ông Ân phấn khởi.
Tại Cà Mau, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đã được trưng bày, tiêu thụ qua các kênh bán hàng, đưa vào những hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Một số sản phẩm OCOP của Cà Mau còn được xuất khẩu qua các thị trường Úc, Canada, Trung Quốc, Singapore.
Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, ngành công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo nhiều hình thức, cả về truyền thống lẫn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sở cũng đã tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP có sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử để hoạt động hiệu quả hơn. Đến nay, không chỉ xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Cà Mau, các sản phẩm OCOP của tỉnh này còn có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Amazon, Alibaba...
Thời gian tới, ngành chức năng Cà Mau sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa nông sản, hàng hóa - dịch vụ, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng; đề ra mục tiêu phát triển và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao lên 4 sao…
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chương trình OCOP cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Với những sản phẩm đã được công nhận, cần phải tiếp tục có các giải pháp tiêu chuẩn hóa, phát triển, nâng cao chất lượng để nâng hạng và tạo dựng uy tín trên thị trường.
"Các chủ thể OCOP cần tập trung cải thiện chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng những giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng để góp phần đưa sản phẩm OCOP Cà Mau vươn xa" - ông Lê Văn Sử lưu ý.
Ba Râu