Giỏ hàng

Cà Mau: Tạo động lực để hộ nghèo vươn lên

Trong những năm qua, huyện Phú Tân đẩy mạnh công tác giảm nghèo và mang lại nhiều kết quả khả quan và tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống hàng năm. Hiện nay, toàn huyện còn 451 hộ nghèo, chiếm 1,81%; 578 hộ cận nghèo, chiếm 2,31% so tổng số hộ dân trong toàn huyện. Có nhiều cách để giảm nghèo, nhưng cách tốt nhất theo cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây là vừa vận động nguồn lực hỗ trợ, vừa tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn để tạo động lực cho hộ nghèo tự vươn lên. Trong đó, xã Tân Hưng Tây là đơn vị thực hiện tốt công tác này. 

 



Gia đình anh Tô Văn Chẵn,  ở ấp Quảng Phú, xã Tân Hưng Tây năm qua, cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động các nhà hảo tâm cất cho anh một căn nhà mới thay cho căn nhà cũ lụp xụp.


Gia đình anh Tô Văn Chẵn, sinh năm 1972,  ở ấp Quảng Phú, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân nhiều năm qua thuộc diện hộ nghèo. Nhà anh Chẵn có 3 công đất nuôi tôm nhưng sản xuất kém hiệu quả do không được cải tạo. Để trang trải cuộc sống, hàng ngày anh phải đi đặt lú bắt tôm cá dưới sông bán nên thu nhập rất bấp bênh. Trong khi đó, vợ anh lại mang nhiều chứng bệnh, phải điều trị thường xuyên nên rất tốn kém. Ngoài ra, anh còn phải lo khoảng chi phí để cho đứa con gái sinh năm 2012 được đến trường…Vì vậy, cái nghèo, cái khó vẫn cứ đeo bám gia đình anh.
 



Vợ chồng anh Tô Văn Chẵn tận dụng đất trống xung quanh nhà đưa vào trồng hoa màu để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.


Năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã Tân Hưng Tây vận động các nhà hảo tâm cất cho anh Chẵn một căn nhà mới thay cho căn nhà cũ lụp xụp. Đồng thời, hỗ trợ tiền để cải tạo đất, mua tôm, cua giống. Đến nay, tôm nuôi đã cho thu hoạch, trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng 2.000.000 đồng. Anh Chẵn cho biết: “Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cử cán bộ đến vận động, hướng dẫn cho tôi cách làm ăn, đã tạo thêm động lực, niềm tin để gia đình tôi phấn đấu. Bản thân tôi và gia đình sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên thoát nghèo trong cuối năm nay”. 

Ngoài nuôi tôm, nuôi cua, đặt lú bắt tôm cá ở dưới sông để bán, vợ chồng anh Chẵn còn được hướng dẫn tận dụng, cải tạo đất trống xung quanh nhà trồng các loại hoa màu để có nguồn thu nhập, giảm chi phí trong sinh hoạt hằng ngày. Chị Nguyễn Thị Mộng Thúy - vợ anh Chẵn - cho biết: “Hiện nay, vợ chồng tôi cố gắng trồng trọt để có tiền trang trải cuộc sống. Có vốn, vợ chồng tôi sẽ đầu tư cải tạo đất sản xuất, mua thêm tôm, cua giống để thả nuôi, chăn nuôi thêm gà vịt nhằm tăng thu nhập, cố gắng làm để thoát nghèo”. 

 

Bà Trần Thị Vững đang chăm sóc đàn heo của gia đình.
 

Gia đình bà Trần Thị Vững, sinh năm 1961, ấp Thứ Vãi A, xã Tân Hưng Tây có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Vững làm mẹ đơn thân khi con gái của bà là em Trần Cẩm Mỹ, sinh năm 2003, từ lúc chưa chào đời. Đến khi con gái chào đời, không may em bị nhiễm chất độc da cam, không tự chăm sóc được cho bản thân nên cuộc sống của bà Vững càng thêm khó khăn hơn.

Bản thân bà Vững cũng mắc nhiều chứng bệnh như bướu, thận, viêm đa khớp. 

Gia đình anh không có đất sản xuất, hiện ở nhờ trên phần đất của nhà nước quản lý, bà chỉ buôn bán nhỏ ở gia đình kiếm sống qua ngày nên cũng nằm trong diện hộ nghèo. Năm qua, địa phương đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho bà được số tiền là 40.000.000 đồng và bà vay ngân hàng thêm 20.000.000 đồng để cất căn nhà ở ổn định. Đồng thời, địa phương hỗ trợ tiền để bà mua 2 con heo giống để nuôi. Đến nay, 2 con heo nuôi đã xuất chuồng, bà đã trả xong khoản nợ vay ngân hàng để cất nhà và mua được 2 con heo để nuôi lứa tiếp theo. Xung quanh nhà, bà Vững cải tạo đất trồng các loại hoa màu để bán nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đến nay gia đình bà Vững đã tạm ổn định và đang phấn đấu để thoát nghèo. Bà Vững cho biết: “ Được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, bản thân rất vui mừng phấn khởi, dù sức khỏe không tốt nhưng vẫn cố gắng lao động để tăng thu nhập, phấn đấu sớm thoát nghèo”. 

Bên cạnh nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn như: không đất đai sản xuất, con đông, nhà có người bệnh tật, hết tuổi lao động…dù chí thú làm ăn nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, thì không ít trường hợp còn trông chờ, ỷ lại vào những chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên vẫn cứ “thích nghèo”. 

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, cái chính vẫn là ý chí, sự quyết tâm nỗ lực vươn lên của người dân nhưng sự gần gũi, sâu sát của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương là chất xúc tác, là động lực quan trọng để nâng đỡ, vực dậy hộ nghèo cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống để vươn lên. 

 


Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Tân Hưng Tây Nguyễn Văn Gel (bìa phải) thăm hỏi, động viên các gia đình cố gắng làm ăn, để vươn lên thoát nghèo.


Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Tân Hưng Tây Nguyễn Văn Gel cho biết: “Muốn  giúp các hộ thoát nghèo trước tiên rà soát lại tất cả các hộ nghèo, xem nguyên nhân dẫn đến nghèo để có hướng giúp đỡ cụ thể. Ngoài những hộ đặc biệt khó khăn như bệnh tật, không có lao động, không có tư liệu sản xuất…sẽ vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, định hướng phấn đấu. Đối với các hộ có cơ sở để thoát nghèo như có đất sản xuất, chí thú làm ăn, có lao động thì tập trung quyết liệt để hướng dẫn, giúp đỡ các hộ này thoát nghèo trước. Những hộ có đất sản xuất thì xã sẽ xây dựng các dự án để hỗ trợ cải tạo đất nuôi tôm. Đối với những hộ không đất sản xuất thì tập trung vào các mô hình kinh tế khác như hỗ trợ phương tiện để đi bơm đất, sên vét vuông tôm; xịt rửa, vệ sinh đầm nuôi tôm công nghiệp. Đối với những hộ không có lao động chính sẽ hướng dẫn, hỗ trợ để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đa số các hộ được hỗ trợ đều có ý chí phấn đấu để vươn lên thoát nghèo”. 

Hơn một năm qua, xã Tân Hưng Tây đã hỗ trợ vốn, con giống cho 13 hộ nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, trung bình mỗi hộ được hỗ trợ từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và 3 hộ nuôi heo, mỗi hộ khoảng 4.000.000 đồng. Tổng số tiền trên 140.000.000 đồng, trích từ quỹ “ Vì người nghèo” của xã. 

Đầu năm 2021, xã  Tân Hưng Tây còn 56 hộ nghèo, chiếm trên 2,3% so tổng số hộ dân trong xã. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, đến nay, xã có 5 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn hơn 1,9%. Đó là kết quả có được từ nhiều giải pháp thiết thực mà  quan trọng nhất là tạo động lực để hộ nghèo có ý chí phấn đấu, tự lực vươn lên. Đây còn là yếu tố cơ bản để chống tái nghèo có hiệu quả ở địa phương trong thời gian tới.

Theo cổng TTĐT CM

Facebook Youtube Top