Giỏ hàng

Cà Mau: Thu nhập cao từ nghề nuôi vỗ cua mẹ

 

Cua Năm Căn từ lâu được biết đến là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cà Mau bởi chất lượng thơm ngon. Những năm qua, tận dụng lợi thế này nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Năm Căn đã triển khai thành công mô hình nuôi vỗ cua mẹ hay còn gọi là sản xuất cua mẹ ốp trứng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện cua mẹ không chỉ được xuất bán trong tỉnh mà còn ra thị trường trong nước, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Năm Căn.
 



Cơ sở nuôi vỗ cua mẹ của chị Chinh luôn đạt chất lượng cao và được nhiều nơi đặt hàng. 


Gắn bó với nghề nuôi vỗ cua mẹ trên 15 năm, chị Trần Thị Chinh, chủ cơ sở sản xuất cua mẹ ốp trứng ở khóm 7, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn đã thành thục các bước để nuôi vỗ cua mẹ. Theo chị Chinh nghề nuôi vỗ cua mẹ không khó nhưng để nuôi đạt hiệu quả cao thì đòi hỏi người nuôi phải thật tỉ mỉ trong khâu chọn con giống và chăm sóc. Để chọn được nguồn cung cua mẹ có chất lượng tốt, chị Chinh thường dành thời gian đến các vùng nuôi cua trên địa bàn các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển để tận tay lựa chọn những con cua mẹ khỏe mạnh, đầy gạch để sinh sản được nguồn trứng tốt, chất lượng. 

Cua mẹ sau khi được chọn về sẽ được chị Chinh vệ sinh kỹ lưỡng, cột mắt trái của cua, cho vào thùng có chạy ôxy 24/24 để hỗ trợ cho cua. Trong thời gian này, cua mẹ được chăm sóc kỹ, thay nước 2 lần/ngày và cho ăn các loại thức ăn như: sò, ốc, nghêu... Sau khi cua mẹ bắt từ vuông về khoảng 10 ngày trở lên, cua bắt đầu ôm trứng và có thể xuất bán nguyên con cho các trại sản xuất cua giống. Nhờ tỉ mỉ trong khâu chăm sóc nên nguồn cua mẹ tại cơ sở sản xuất của chị Chinh luôn đạt chất lượng cao và được nhiều nơi đặt hàng. Hiện nay, chị Chinh chủ yếu xuất bán cua mẹ tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh như: Kiên Giang, Trà Vinh, Khánh Hòa… Trung bình mỗi tháng chị xuất bán từ 200 con cua mẹ trở lên. Hiện giá thành mỗi con cua mẹ bán ra từ 1,5 triệu trở lên (tùy thời điểm), sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng chị Chinh thu lời trên 50 triệu đồng.
 



Cua mẹ đang trong giai đoạn ốp trứng chuẩn bị xuất bán.


Chị Trần Thị Chinh cho biết: “Trước đây, mẹ tôi làm nghề nuôi vỗ cua mẹ sau đó truyền nghề lại cho tôi làm và theo đuổi đến tận bây giờ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên có thời điểm cơ sở của tôi phải ngưng hoạt động 1 năm, chúng tôi vừa mới hoạt động trở lại từ tháng 2/2022 đến nay. Trước đây, có tháng cao điểm cơ sở chúng tôi bán ra khoảng 400 con cua mẹ, thị trường tiêu thụ ổn định mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi”.

Trước đây, nghề nuôi vỗ cua mẹ trên địa bàn thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) chủ yếu theo hình thức tự phát nhưng hiện nay do nhu cầu thị trường cua giống tăng cao nên nghề nuôi vỗ cua mẹ được nhiều hộ nuôi phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi. 

Theo một số người chuyên làm nghề nuôi vỗ cua mẹ, vùng đất Năm Căn rất thích hợp để làm mô hình này nhờ lợi thế gần biển, độ mặn nguồn nước đáp ứng khoảng từ 25-30‰, tạo điều kiện thuận lợi để cua phát triển tốt. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Năm Căn có trên 15 hộ làm nghề nuôi vỗ cua mẹ. Thị trấn Năm Căn hiện có 01 tổ hợp tác nuôi vỗ cua mẹ tại khóm 5, thị trấn Năm Căn. Qua đó, góp phần tạo nguồn cung cua giống chất lượng cho địa phương và một số vùng nuôi trồng thủy sản ngoài tỉnh.
 



Cua được nuôi trong thùng chạy oxy 24/24.


Phó Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn Phùng Trường Nguyên thông tin: “Nhờ lợi thế của vùng đất nhiều phù sa bồi lắng, cua Năm Căn từ lâu đã nổi danh gần xa với chất lượng ngon, chắc thịt, vị ngọt tự nhiên không lẫn đi nơi khác được. Những năm qua, xuất phát từ nhu cầu thị trường nên nghề nuôi vỗ cua mẹ trên địa bàn thị trấn Năm Căn phát triển mạnh và được nhiều nơi tin tưởng lựa chọn. Thời gian qua, địa phương đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn rà soát số hộ thực hiện mô hình này tạo điều kiện thuận lợi để bà con được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và thành lập các tổ hợp tác nhằm tạo liên kết sản xuất cho người nuôi. Tuy nhiên, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên có 02 tổ hợp tác nuôi vỗ cua mẹ trên địa bàn đã bị giải thể nhưng thời gian tới các tổ hợp tác này có thể sẽ được khôi phục trở lại. Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi đưa nghề sản xuất cua mẹ phát triển hơn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân làm nghề này trong thời gian tới”.

Theo cổng TTĐT CM

Facebook Youtube Top