Cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Đồng Nai đang thi công thế nào?
Trên công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành hàng trăm công nhân hối hả thi công hoàn thiện các cây cầu cạn, kéo dài từ sông Thị Vải đến QL51.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông vào sáng một ngày cuối tháng 8 trên công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua Đồng Nai nhiều mũi thi công với hàng trăm công nhân đang hối hả làm việc.
Tại gói thầu A7 (huyện Long Thành) đoạn đoạn kết nối QL51 đến bờ sông Thị Vải dọc tuyến nhà thầu bố trí gần 10 mũi thi công, bó vỉa sắt đổ bê tông mặt cầu.
Sau khi được bàn giao mặt bằng nhà thầu đang khẩn trương thi công thi công nền đường lên cấp phối đá dăm.
Một góc công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành nhìn từ trên cao phía huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)
Theo quan sát của PV các trụ cầu đi qua huyện Nhơn Trạch, Long Thành đã hoàn thành, đi xuyên qua những vạt rừng đước xanh ngát.
Những trụ cầu cạn mọc lên dưới bãi sình lầy được gác dầm bê tông chạy dài gần 10km ra đến cầu Thị Vải. Trên công trường cầu Thị Vải nhiều mũi thi công đang khẩn trương đóng cọc khoan nhồi đoạn giữa song…
Ông Nguyễn Thiện Đạt, Giám đốc phụ trách thi công gói thầu A7 cao tốc Bến Lức - Long Thành cho biết, đến nay gói thầu đã đạt khoảng 62%.
Trên công trường nhà thầu bố trí nhiều mũi thi công phần nền đường, cầu, kết cấu phần dưới, dầm ngang bản mặt cầu.
Công nhân, kỹ sư hối hả thi công đổ bê tông mặt cầu tại gói thầu A7.
Tháng 5 toàn bộ mặt bằng đã được địa phương bàn giao việc tập kết thiết bị, xe máy thuận lợi hơn trước. Nhà thầu đang bố trí nhiều mũi thi công thi công dọc tuyến trên phạm vi gói thầu.
“Chúng tôi đang bố trí nhiều mũi thi công mặt cầu, nền đường nút giao QL51. Hiện khó khăn nhất của gói thầu tại hạng mục cầu Thị Vải, do địa chất phức tạp gặp đá cứng phải khoan nhiều lần do gãy mũi khoan. Nhà thầu đang phải tìm phương án thi công hợp lý để đảm bảo tiến độ”, ông Đạt nói.
Theo Ban quản lý các dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) vừa qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chấp thuận đồng ý để VEC tạm sử dụng nguồn thu phí, các khoản tiền chưa đến hạn để trả nợ nhà thầu dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Thi công nền đường dẫn nút giao QL51, huyện Long Thành
Để dự án sớm hoàn thành cần sớm tháo gỡ vướng mắc nguồn vốn vay đẩy nhanh được tiến độ thi công. Hiện các gói thầu nhánh phía Tây đoạn qua TP.HCM, Long An đã tạm dừng hoặc thi công cầm chừng do đang thiếu vốn.
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban quản lý các dự án các đường cao tốc phía Nam cho hay, công tác bàn giao mặt bằng trên tuyến cơ bản hoàn thành khó khăn lớn nhất hiện tại là phải sớm tháo gỡ được nguồn vốn.
Đến nay trên địa bàn Đồng Nai chỉ còn vướng 1 hộ dân ở huyện Nhơn Trạch, tại các gói thầu nhánh phía Tây (đoạn TP.HCM – Long An, nguồn vốn ADB) còn vướng 1 hộ ở huyện Bình Chánh.
Cũng theo ông Vị trong 3 gói thầu qua Đồng Nai, gói thầu A5 đã cơ bản hoàn thành, gói A7 đang thi công đạt tiến độ hơn 62%. Riêng gói thầu A6 đã chấm dứt hợp đồng chờ đấu thầu lại,
“Về nguồn vốn hiện dự án vẫn đang chờ Chính phủ hoàn tất các thủ tục bố trí vốn. Sau khi VEC ứng vốn một số nhà thầu nhánh phía Tây đang rục rịch chuẩn bị phương án thi công trở lại”, ông Vị nói.:
Thi công cầu Thị Vải.
Liên quan công tác GPMB, mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu TP.HCM và tỉnh Đồng Nai tập trung, phấn đấu cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án trước ngày 30/8.
Giao VEC và các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2022 về tổng thể các khó khăn, vướng mắc về việc sử dụng các nguồn vốn cho dự án, nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc để thúc đẩy dự án…
Đầu tháng 8 trong công văn gởi Đoàn đại biểu Quốc hội Long An, Bộ GTVT cho biết, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thông qua chủ trương tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn. Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan đang khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện thủ tục để bố trí vốn, phấn đấu triển khai thi công trở lại trong quý III/2022.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam. Tuyến cao tốc này có chiều dài hơn 57km đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD). Dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) làm chủ đầu tư. Dự kiến hoàn thành năm 2019, đến nay do khó khăn về nguồn vốn và mặt bằng thi công nên tiếp tục giãn tiến độ thông xe toàn tuyến.