Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được mở rộng, có làn dừng khẩn cấp
Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đảm bảo đúng quy mô 6 làn xe và có làn đường dừng khẩn cấp theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ GTVT vừa trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Cử tri đề nghị xây dựng làn đường dừng khẩn cấp trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhằm tránh gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông và xem xét cần xây dựng đường cao tốc trước khi định hướng phát triển kinh tế…
Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch được phê duyệt, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25m. Dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m; đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác từ tháng 4/2022.
Để hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác các tuyến vành đai của TPHCM, các tuyến cao tốc đang và sẽ được đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ GTVT đã làm việc và thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang để nghiên cứu đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch đã được phê duyệt.
“Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND Tiền Giang báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đảm bảo đúng quy mô 6 làn xe và có làn đường dừng khẩn cấp theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.” - Bộ GTVT cho hay.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cuối tháng 8/2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cuộc họp đã nghe báo cáo về thực trạng, đề xuất, kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp về việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; ý kiến của đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Long An, Tiền Giang, TPHCM…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương được đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây đã hơn 10 năm, quy mô 4 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Hiện nay, lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, thường xuyên ùn tắc; không bảo đảm cho nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, hành khách.
Đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, được đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 4/2022, đến nay đã chia sẻ lưu lượng, phương tiện giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1. Qua đó, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Tuy nhiên, sau khi khai thác đồng thời cả tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, đã phát sinh một số bất cập do lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quá lớn. Việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc từ TPHCM đi Trung Lương và Mỹ Thuận là hết sức cần thiết.
Để có thể sớm triển khai, Bộ GTVT thống nhất với các địa phương về việc nghiên cứu phương án tách thành 2 dự án độc lập, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, gồm: dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương và dự án mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Về phương án đầu tư, Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án, gồm: bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư theo hình thức đầu tư công; đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT; đầu tư theo phương thức PPP...