Chủ tịch Tp.HCM nói về điều khó nhất khi làm đường vành đai 3
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc giải phóng mặt bằng phải làm sao ổn định chỗ ở của bà con, bồi thường hợp lý, giúp bà con chuyển đổi nghề và sinh kế.
Sáng 6/6, thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 Tp. HCM, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi nêu thêm một số vấn đề để các ĐBQH quan tâm.
Ba yếu tố cốt lõi khi đầu tư đường vành đai 3
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án đường vành đai 3, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, quy hoạch đường vành đai 3 là năm 2011 tính đến nay là 11 năm. Nếu triển khai ngay sau khi có quy hoạch thì chắc chắn chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do trong công tác chỉ đạo, khó khăn về nguồn lực cho nên chưa triển khai.
Sau đó, Chính phủ giao cho Bộ GTVT nghiên cứu dự án và đến tháng 7/2021, Thủ tướng quyết định giao lại cho UBND Tp.HCM làm đầu mối để tiếp nhận nghiên cứu dự án.
Về hình thức đầu tư, ông Mãi cho biết, ban đầu dự án đường vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, UBND thành phố nhận thấy phương thức PPP là không khả thi.
Chủ tịch Tp.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp tổ về dự án đường vành đai 3 (Ảnh: Hoàng Bích).
Nói là không khả thi bởi, thứ nhất đóng góp của ngân sách Nhà nước trong các phương án PPP chiếm 82%, như vậy vượt quy định của pháp luật về vốn ngân sách Nhà nước trong các dự án PPP (theo quy định không quá 50%).
“Ngay khi vốn ngân sách Nhà nước đã tham gia 82% thì thời gian để thu hồi vốn là 28 năm, như vậy quá dài, không hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Mãi nói và cho biết đã trình Quốc hội xem xét đầu tư dự án đường vành đai 3 theo đầu tư công.
Về sự cần thiết, Chủ tịch UBND Tp.HCM nêu thêm ba lý do: thứ nhất, đường vành đai 3 được triển khai sớm hoàn thành sẽ giúp cho Tp.HCM, các tỉnh trong khu vực dự án và đặc biệt vùng trọng điểm phía Nam giải quyết điểm nghẽn về giao thông. Đồng thời, mở ra một tuyến giao thông chiến lược, nếu có được vành đai 3 thì việc xuyên tâm Tp.HCM và một số vị trí ở trên các địa phương trong vùng dự án sẽ được giải quyết.
Thứ hai, sẽ tạo ra được dòng lưu thông thông suốt, thuận tiện hơn, thời gian ngắn hơn, giảm chi phí logistics.
Thứ ba, vành đai 3 khi hoàn thiện đồng bộ sẽ là hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh mà tác động lan tỏa cả khu vực phía Nam và kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới và tạo động lực mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian sắp tới.
Giải phóng mặt bằng là vấn đề khó
Nói về vấn đề giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, việc giải phóng mặt bằng một lượt cho quy mô toàn bộ dự án là điều cần thiết.
Bởi lẽ, kinh nghiệm của Tp.HCM và kinh nghiệm của các công trình giao thông trên địa bàn, nếu không giải phóng mặt bằng cho quy mô hoàn thiện thì sau này mở ra 6-8 làn xe sẽ gặp khó khăn, lúc đó chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn, thời gian giải phóng mặt bằng sẽ kéo dài.
Nói về tổng mức đầu tư, ông Mãi cho biết có nhiều ý so sánh vì sao tổng mức đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng vành đai 3 cao như thế? “Chúng tôi nghĩ rằng, mỗi đường có một vị trí khác nhau, như thế chi phí sẽ khác nhau”, ông nói.
Theo lý giải của lãnh đạo Tp.HCM, việc giải phóng mặt bằng đã được quy hoạch từ năm 2011, nhưng đến nay gần như hành lang của vành đai 3 đã đô thị hóa và phát triển công nghiệp.
Với mật độ dân cư đông như hiện tại thì để đi theo quy hoạch này thì chi phí giải phóng mặt bằng sẽ cao hơn rất nhiều so với các địa bàn khác, đặc biệt những địa bàn chỉ giải phóng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát các nút giao thông cũng như khu vực giải phóng mặt bằng, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến ban đầu trên 85.000 tỷ, sau khi rà soát đã hạ xuống còn 75.378 tỷ đồng.
Ông Mãi cho rằng giải phóng mặt bằng là điều khó khăn nhất (Ảnh minh họa: Hữu Thắng).
Ông Mãi cũng thừa nhận việc giải phóng mặt bằng là nội dung mà Tp.HCM và các địa phương xác định là khó khăn nhất.
“Ở địa bàn đô thị hóa rất cao, dân cư rất đông nên tạo sự đồng thuận, để bà con nhường đất, chỗ ở của mình. Tôi nghĩ rằng, thi công một công trình rất quan trọng của quốc gia thì chắc chắn bà con sẽ chia sẻ. Nhưng, vấn đề làm sao ổn định chỗ ở của bà con, bồi thường hợp lý, giúp bà con chuyển đổi nghề và sinh kế”, ông Mãi bày tỏ.
Trong nội dung chia sẻ, ông Mãi cho biết thêm, đối với Tp.HCM, để việc giải phóng mặt bằng nhanh và chuyện tái định cư cho bà con được ổn định thì thành phố đang rà soát lại các quỹ nhà tái định cư đang có nhằm tiến hành tạm cư, chứ không để bà con đi ra ngoài tự thuê, sẽ có những địa chỉ tạm cư để trong thời gian ổn định tái định cư cho bà con.
Bên cạnh chính sách bồi thường, thì sẽ có công tác hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế với tinh thần chỗ ở mới phải đảm bảo bằng hoặc tốt hơn chỗ ở hiện có. Bởi, sinh kế, nghề nghiệp được đảm bảo thì đời sống của bà con mới được ổn định.