Chuyện ít biết về ruộng bồn bồn giữa lòng thành phố Cà Mau.
Theo đó, khu vực canh tác nông nghiệp của Phường 8 (TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nằm cạnh Trung tâm thành phố, có 3 mặt được bao quanh bởi các khu vực đô thị. Nơi đây từng là những ruộng lúa trải dài nhưng hiện nay đã dần được thay bằng những ruộng bồn bồn xanh tươi tốt.
Gia đình ông Võ Văn Luyến (Khóm 6, Phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) là một trong những hộ đi đầu trồng bồn bồn ở địa phương. Khoảng 20 năm trước, nhận thấy lợi thế của diện tích đất canh tác ven đô, cùng với việc mô hình trồng lúa kém hiệu quả, ông Luyến chuyển qua trồng bồn bồn. Kinh tế gia đình ông cũng từ đó có bước phát triển vượt bậc.
Ruộng bồn bồn của anh Trần Văn Thành (Khóm 6, phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau). |
Trước khi bị ảnh hưởng dịch COVID-19, mỗi ngày gia đình ông Luyến có nguồn thu vài triệu đồng từ thu hoạch bồn bồn. Ông Luyến, chia sẻ: “Trên mặt ruộng mình trồng bồn bồn, dưới nước nhờ nuôi cá. Mỗi ngày tiêu thụ vài trăm kg, kiêm ngày 3 – 4 triệu là bình thường. Tiền vô hằng ngày, quân bình giá từ 25.000 đồng/kg thì mỗi ngày cầm chắc 03 triệu đồng”.
Bồn bồn được xem là đặc sản của một số tỉnh miền Tây, được người dân chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như: dưa chua bồn bồn, bồn bồn nấu canh dừa, bồn bồn xào tôm thịt, bồn bồn nấu lẩu, bồn bồn làm gỏi…
Người dân trồng bồn bồn không sử dụng thuốc trừ sâu, cũng ít dùng tới phân bón nên loại cây có sức sống dẻo dai này được mệnh danh là “rau sạch”. Vì vậy, mặt hàng bồn bồn rất được ưa chuộng. Ngoại trừ thời điểm bị ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua, đầu ra sản phẩm bồn bồn của phường 8 (TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chưa bị ách tắc.
Đồng thời, người dân trồng bồn còn kết hợp nuôi cá đồng nên mô hình cho thu nhập cao. Như gia đình ông Trần Văn Thành (sinh năm 1972, Khóm 6, phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau), mỗi năm thu được khoảng 150 triệu đồng từ hơn 0,5 ha đất trồng bồn bồn. Từ hộ khó khăn, gia đình ông Thành xây được nhà khang trang cũng nhờ loại rau sạch này. “Trước đây gia đình tôi làm tôm - lúa, rồi mới chuyển trồng bồn bồn. Bồn bồn so với nuôi tôm thì bằng hai lần mỗi tội cực hơn. Hiện nay, vấn đề khó là bị mặn xâm nhập vào mùa khô” - ông Thành chia sẻ.
Gia đình anh Trần Văn Thành - chị Phạm Thị Hiền khá lên nhờ trồng bồn bồn. |
Nhiều hộ dân địa phương đang có mong muốn mở rộng hoặc chuyển đổi từ chuyên canh làm lúa hay lúa – tôm sang trồng bồn bồn. Cho nên, lo ngại duy nhất với họ là vào mùa khô, mặn xâm nhập ảnh hưởng chất lượng cây bồn bồn. Vấn đề những cánh đồng lúa – tôm đan xen với những ruộng bồn bồn vẫn đang là một thực tế khó.
Ông Châu Thành Lập - Chủ tịch Hội Nông dân phường 8 (TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Phường đã tính tới việc tổ chức sản suất, hạn chế thấp nhất tác động của các mô hình với nhau. Diện tích trồng bồn bồn được định hướng quy hoạch vào khu vực tập trung để người dân thuận lợi canh tác. Thời gian tới sẽ có chính sách hỗ trợ vốn để người dân phát triển trồng bồn bồn. Trước nhu cầu người dân muốn nhân rộng, hướng tới chúng tôi sẽ đề xuất để người dân tiếp cận với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hoặc vốn ngân hàng chính sách. Được tiếp cận các nguồn đó thì lãi suất không cao mà thời gian vay được lâu và có thể đáo hạn lại được. Tinh thần của cơ quan chức năng địa phương là tạo các điều kiện thuận lợi để người dân phát triển”.
“Để phát huy hiệu quả của mô hình trồng bồn bồn, lãnh đạo địa phương đã tập hợp người dân sản xuất tập trung. Tổ hợp tác bồn bồn ở Khóm 6, phường 8 (TP. Cà Mau) ra đời phần nào đã phát huy hiệu quả, khi diện tích canh tác và năng suất đều tăng.
Hiện nay, hằng ngày, Tổ hợp tác vẫn đang cung ứng sản phẩm rau sạch bồn bồn cho các chợ trên địa bàn TP. Cà Mau. Tuy nhiên, vấn đề đất bị nhiễm mặn vào mùa khô vẫn là một bài toán khó” – Chủ tịch UBND phường 8 (TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) Trần Quang Vinh cho biết.
Trọng Nghĩa- Tấn Tài