Công ty CP Nha Trang Seafood - F17 khánh thành nhà máy chế biến tôm cao cấp tại Bạc Liêu
Đẳng cấp là ở quy mô chế biến và sản phẩm chế biến cũng như các máy móc, thiết bị trang bị cho hoạt động nhà máy. Khuôn viên nhà máy rộng gần 6ha với 4 xưởng chế biến cho các mặt hàng riêng biệt, đều là tôm giá trị gia tăng. Nhà máy trang bị 12 dàn cấp đông IQF với công suất chế biến tối đa có thể đạt khoảng 20.000 tấn thành phẩm hàng năm, tương đương 60 tấn thành phẩm mỗi ngày. Với quy trình này, chắc chắn nhà máy trong top 10 nhà máy chế biến tôm lớn nhất nước. Tại vị trí này nhà máy rất gần vùng nguyên liệu tôm lớn nhất của cả nước. Trước mắt có quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, lâu dài có cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để việc đưa hàng xuất khẩu thuận lợi. Quy mô này với chi phí gần 400 tỷ đồng và khi định hình sẽ tạo việc làm cho 4.000 lao động.
Trong thời buổi Cách mạng Công nghiệp 4.0 và làn gió chuyển đổi số ngày mạnh dần, các nhà máy chế biến thủy sản cũng hòa mình vào bối cảnh chung để nâng mức cạnh tranh quốc tế. Chưa hẳn chuyển đổi số, ít ra cũng nỗ lực cơ khí hóa, tự động hóa càng nhiều khâu chế biến càng tốt nhằm tăng năng suất, ít lệ thuộc lao động, giải phóng sức lao động và nâng mức an toàn hơn cho sản phẩm.
Nhà máy mới của Nha Trang Seafood thể hiện nắm rõ xu thế này và thực hiện khá tốt. Từ 15 năm qua, ứng dụng ghép tầng máy nén để tăng âm sâu và hiệu suất lạnh, khiến thời gian cấp đông sản phẩm còn rất ngắn, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm phụ trội và mẫu mã sản phẩm như tươi tắn hơn, giải pháp này ngày càng hoàn thiện và tại nhà máy này là một điển hình. Nhà máy trang bị máy phân cỡ laze, thiết bị ép tôm duỗi, thiết bị bao bột tự động, thiết bị cân thành phẩm tự động… Sự tích hợp này, dù chưa là tuyệt đối, nhưng được coi là đi đầu trong thời điểm này. Năng suất chế biến tại đây có điều kiện tăng lên, sức cạnh tranh tăng tương ứng. Nhà máy hình thành sau luôn có ưu thế là như vậy. Tuy nhiên, việc đó còn phụ thuộc nhận thức của người điều hành và năng lực tài chính. Bởi trong thực tế vẫn còn không ít nhà máy chế biến tôm hình thành mới, quy mô nhỏ hơn, và bị bỏ lại phía sau chỉ một thời gian ngắn sau khi hoạt động.
Ngành tôm với mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 8%, tới năm 2030 đạt khoảng 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Mảng nuôi tôm đang có nhiều dấu hiệu thuận lợi như quy trình nuôi tôm và các chuỗi hợp tác nuôi tôm ngày càng hoàn thiện; chính sách mới sẽ khả năng tạo ra nhiều trang trại nuôi tôm quy mô hàng chục, hàng trăm hecta sẽ góp phần làm giảm giá thành tôm đáng kể; xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, nhìn ở góc độ tích cực là cơ hội mở rộng vùng nuôi…
Mảng chế biến đang đồng bộ với mảng nuôi. Đầu năm 2021, Nhà máy An An của Thuận Phước khánh thành; quý IV năm 2022 nhà máy mới xây dựng của Sao Ta sẽ đi vào hoạt động. Minh Phú đang xây dựng cùng lúc 2 nhà máy chế biến với quy mô còn lớn hơn nữa. Nhiều nhà máy chế biến khác đang được nâng cấp và mở rộng… Mỗi nhà máy lớn như nêu trên khả năng tiêu thụ 30.000 - 50.000 tấn tôm nguyên liệu hàng năm, bảo đảm không xảy ra tình trạng ứ thừa tôm thương phẩm, giữ được giá mua bán khá ổn định, tạo an tâm cho người nuôi tôm.
Ngành tôm Việt đang đứng trong tốp đầu thế giới về trình độ chế biến. Nhà máy mới này chắc trong top đầu đẳng cấp chế biến ngành tôm của ta. Đó là điều phù hợp xu thế, thể hiện được tầm nhìn của mình và nâng sức cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lẫn ngoài nước. Thiết nghĩ ít nhiều đây cũng là điều nên suy nghĩ cho các thành viên mới có ý định tham gia hoạt động đầy vất vả - chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu.
TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam