Covid-19 thoái trào, đã đến lúc trở lại cuộc sống 'bình thường cũ'
Dẫn tỷ lệ tử vong do Covid-19 vừa qua 'gần như không có' và hình ảnh 4 vạn cổ động viên xem chung kết bóng đá SEA Games 31, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhận định Covid-19 đã thoái trào.
Chính sách mở cửa sau đại dịch, tình hình giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và cách ứng xử với Covid-19 trong giai đoạn mới là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt lên trên bàn nghị sự, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/6.
Phục hồi ngành y tế sau "cơn bão" lớn
“Sáng nay, Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 Hoàng Mai chỉ còn 10 bệnh nhân. Tại các địa phương khác, số lượng bệnh nhân Covid-19 cũng rất ít, tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra nhiều ngày nay gần như không có”, đại biểu Quốc hội, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, mở đầu phần thảo luận bằng những tín hiệu đáng mừng.
Ông dẫn chứng hình ảnh 4 vạn cổ động viên đến xem trận chung kết bóng đá SEA Games 31 hay trong hội trường Diên Hồng cũng nhiều người không đeo khẩu trang, để đưa ra nhận định “Covid-19 đã sang giai đoạn thoái trào”.
Dù vậy, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh Việt Nam đến nay vẫn chưa chính thức tuyên bố chấm dứt Covid -19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đã đến lúc trở lại cuộc sống "bình thường cũ" khi Covid-19 sang giai đoạn thoái trào. Ảnh: Hồng Phong.
Khi coi Covid-19 là một chuyên khoa, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, không có nghĩa là hạ thấp sự nguy hiểm của dịch mà phải theo dõi thật sát và phản ứng linh hoạt.
“Có ba chỉ số cần theo dõi, gồm: Xét nghiệm thăm dò để phát hiện biến chủng mới; ghi nhận sự lây lan đột ngột dịch bệnh trong một cộng đồng nhất định; và tình hình bệnh nhân chuyển nặng phải nhập viện. Những chỉ số này nếu phát sinh vấn đề đáng lưu ý thì cơ quan quản lý chuyển trạng thái chống dịch”, ông Hiếu nhấn mạnh không nên ngồi chờ diễn biến của Covid-19 mà cần phản ứng linh hoạt.
“Đã đến lúc phải trở lại ‘bình thường cũ’ để hướng tới hai mục tiêu. Một là phục vụ cho lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế - xã hội thời kỳ hậu Covid. Hai là tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường, bao gồm Covid”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nêu quan điểm.
Điểm khác so với trước đây, theo ông Hiếu, là vẫn cần khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên hơn; người nhiễm Covid vẫn nên ở nhà, có dấu hiệu chuyển nặng thì vào bệnh viện điều trị và việc cách ly người bệnh dứt khoát không cực đoan như trước đây.
Với tác động nặng nề của đại dịch lên các lĩnh vực, đặc biệt trong ngành y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề về việc phục hồi và phát triển của một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sau “cơn bão” lớn.
Ông Hiếu đề nghị Quốc hội giám sát Chính phủ ban hành sớm các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế (như quyết nghị giảm cấp độ dịch Covid-19, hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch…).
Bên cạnh đó, có nguồn ngân sách cụ thể trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư các dự án kỹ thuật cao, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang rất khó khăn của ngành y tế…
Trăn trở trước những khó khăn, áp lực về mặt tinh thần, ông Hiếu cho biết ngành y tế trong thời bình lại đang vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra.
“Những ‘con sâu’ đã bị gạt bỏ ra khỏi hệ thống, nhưng người mới nhận nhiệm vụ lại rất bối rối, loay hoay, chưa tìm được đường đi cho đúng vì đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh”, ông Hiếu phản ánh tâm tư và đề nghị Quốc hội quan tâm giải quyết những vướng mắc, khó khăn kéo dài của ngành.
Cần cơ chế để cơ sở y tế tự tin mua sắm trang thiết bị
Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An lại bày tỏ băn khoăn khi công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch chưa thực hiện dứt điểm.
“Có một sự sốt ruột không hề nhỏ khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được, dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, rất cấp bách”, ông An đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong triển khai các chính sách.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng Trịnh Xuân An đề nghị quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện công lập. Ảnh: Hồng Phong.
Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, ông Trịnh Xuân An đề nghị quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện công lập; có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực.
“Mặc dù hệ thống y tế đang bị rúng động bởi ‘quả bom Việt Á’, việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, vì sức khỏe nhân dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhìn nhận “chính sách nào cũng có nguy cơ bị lợi dụng, trục lợi”. Ông cảm thấy tiếc nuối khi những chính sách cấp bách trong phòng chống dịch đã bị lợi dụng, từ tiêu cực trong hoạt động phân phối nguồn lực hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đến hoạt động nhân đạo như giải cứu lao động về nước.
Ủng hộ việc xử lý nghiêm sai phạm, song ông Tám đề nghị làm rõ đằng sau những tiêu cực này là gì, có sự bắt tay, cấu kết để trục lợi trên sự đau khổ của người dân trong đại dịch hay không.