Giỏ hàng

Dang tay chắp cánh cho em

Đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế mà còn cướp đi sinh mệnh của hàng vạn người. Dịch bệnh đi qua để lại vô vàn nỗi đau, nhưng có lẽ nhức nhối nhất là niềm đau của nhiều trẻ em bị mất cha, mất mẹ.

Khi cuộc sống ở quê không thể phát triển, nhiều hộ gia đình chọn lựa cách rời xa quê hương đi đến miền đất khác để lập nghiệp. Người mong được đổi đời, người mong có thu nhập ổn định để có chút vốn về lại quê mua vài công đất xây dựng cuộc sống bình yên nơi quê nhà. Thế nhưng, cuộc đời ai biết trước chữ ngờ, đại dịch bất ngờ bùng phát khiến cho bao gia đình chịu nhiều mất mát. Vợ mất chồng, con mất cha, con thơ lìa xa mẹ... bơ vơ giữa dòng đời.

Đến thăm em Nguyễn Trọng Nguyễn (11 tuổi, ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi), chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Nguyễn ở với nội khi mới vừa lên 5 tháng tuổi, bởi cha và mẹ em phải lên Bình Dương tìm việc làm, kiếm tiền nuôi con và chuộc lại mẫu ruộng của gia đình cầm cố từ rất lâu. Cuộc sống cứ thế, hơn 10 năm trôi qua, con ngày càng lớn nhưng tiền chưa có dư nên chị B.Th.Y (mẹ em Nguyễn) đành lỗi hẹn với con lời hứa năm sau mẹ sẽ về.

 

Chiếc xe đạp cũ kỹ được mẹ mua cho từ rất lâu, em Nguyễn luôn trân trọng, xem như bảo vật.

Bà Nguyễn Thị Đấu (bà nội của Nguyễn) kể trong nước mắt: “Không biết xui khiến hay sao mà lúc dịch bùng phát, con Y đòi về quê, cứ điện thoại kêu tôi lên xã đăng ký cho nó về nhà. Nó bảo con muốn về nhà, con nhớ mẹ, nhớ mọi người, con nhớ thằng Nguyễn quá, mẹ tìm cách cho con về đi. Tôi chạy ngược xuôi đăng ký nhưng thời điểm đó đâu có được về. Rồi nó nhiễm bệnh, chết nơi xứ người, khi về chỉ còn hũ tro mà thôi”.

Khi chị Y mất, anh Nguyễn Văn Tùng (chồng chị Y) không dám báo tin về nhà, sợ mọi người lo. Thế nhưng qua thông tin, bà Đấu vẫn biết con dâu mình đã tử vong do bị nhiễm Covid-19. Ôm Nguyễn vào lòng, bà Đấu sụt sùi: “Cứ độ hè về là mẹ thằng Nguyễn rước con lên chơi với tụi nó, khi nào nhập học thì tôi lại lên rước nó về cho học hành. Giờ thì...”. Bỏ lửng câu nói, bà Đấu nước mắt ràng rụa. Nguyễn cũng ôm nội và khóc nức nở. Dù mẹ đã mất gần tròn 1 năm nhưng trong tâm trí của Nguyễn, em vẫn ngỡ mẹ còn sống bên mình. Bà Đấu nói: “Lâu lâu nó lại buột miệng bảo tôi gọi cho cha mẹ nó, nó nhớ mẹ”.

Năm nay Nguyễn chuẩn bị vào lớp 5, nhưng hoàn cảnh của bà Đấu không khá giả, mọi năm thì chuyện học của Nguyễn do cha mẹ em lo hết. Giờ mẹ em mất, cha em mới lên Bình Dương làm lại, mà nghe đâu công việc cũng khó khăn, thợ hồ ngày làm ngày nghỉ nên hơn tháng nay vẫn chưa gửi về được đồng nào.

Chị Lê Thị Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Sen, cho biết: “Chi hội nhận làm mẹ đỡ đầu cho cháu, vận động mạnh thường quân hỗ trợ tập sách, ưu tiên cho cháu Nguyễn, phần nào hỗ trợ gia đình lo cho cháu đủ điều kiện cắp sách đến trường, phần nào xoa dịu nỗi đau mất mẹ của cháu”.

Cùng xã Tân Duyệt, hoàn cảnh của 2 chị em, Phạm Như Nguyệt (8 tuổi) và Phạm Minh Thư (6 tuổi), ở ấp Bá Huê cũng thật đáng thương, khiến chúng tôi khi nghe câu chuyện của 2 em không cầm được nước mắt. Người mẹ yêu thương của 2 em đã mãi mãi rời xa các con mình trong trận đại dịch vừa qua.

Ông Võ Văn Lý, Trưởng ấp Bá Huê, bùi ngùi kể lại: “Ông Phạm Văn Chung (ông nội của Nguyệt và Thư) gia cảnh nghèo từ thuở nhỏ, đến tuổi lập gia đình tưởng cuộc đời ông bước sang trang mới nhưng vì con đông, nhà không đất sản xuất, cuộc sống bấp bênh nên cái nghèo vẫn không chịu buông tha. Các con ông lớn lên, tứ tán làm ăn. Ông Chung và vợ cách đây vài năm cũng theo vợ chồng thằng Diệp (Phạm Văn Diệp, cha của 2 em Nguyệt và Thư) lên Bình Dương sinh sống. Cứ tưởng cuộc đời ổng đỡ vất vả về già, có ngờ đâu trước Tết vợ chồng ông Chung bồng chống về quê cùng với 2 đứa cháu nội nhỏ dại vì con dâu của ông chết do nhiễm Covid-19”.

Về lại quê xưa, không mảnh đất cắm dùi nhưng được người dân ở quê thương tình cho vợ chồng ông Chung mượn căn chòi chưa đầy 20 m2 sát bên mé sông ở tạm. Hàng ngày vợ chồng ông đi lượm ve chai về bán lấy tiền nuôi 2 đứa cháu nhỏ. Bà Huỳnh Thị Hà (chị dâu của ông Chung) bộc bạch: “Hàng ngày vợ chồng chú Chung đi lượm ve chai thì tôi ở nhà nấu cơm cho tụi nhỏ ăn, lo tắm rửa giùm. Mà thím Chung cũng không được mạnh khoẻ, tuy mang trong mình nhiều bệnh nhưng vẫn theo chú Chung đi lượm ve chai vì chú không được minh mẫn như người ta nên thím sợ chú đi rồi có chuyện gì thì lại khổ”.

Trong căn chòi lá tạm bợ ven sông, chị em Nguyệt và Thư co ro mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Nguyệt và Thư vẫn chưa biết chết là như thế nào, các em chỉ nhớ không biết tại sao mẹ vô bệnh viện rồi không về nữa, gọi điện thoại mẹ vẫn không nghe máy. Minh Thư giọng non nớt: “Ba nói mẹ chết rồi nhưng con nhớ mẹ lắm, con muốn được mẹ ôm ngủ, muốn ăn đồ mẹ nấu, muốn được mẹ chở đi chơi. Muốn mẹ mua đồ đẹp, lâu rồi mẹ chưa mua cho con đồ mới, đồ con cũ hết rồi”.

Thương em, thương cháu nhưng gia đình của bà Hà cũng không khá giả, đất thì chỉ có hơn 1 công nhưng bà vẫn thuê xáng múc đất lên đắp cho ông Chung một cái nền nhà. Bà Hà bộc bạch: “Đắp thì đắp vậy chứ giờ gia đình chú ấy không có gạo để ăn thì lấy đâu ra tiền mà cất nhà, từ hồi về dưới này đến nay vẫn chưa xin được sổ hộ nghèo. Năm nay mấy đứa nhỏ không biết được đi học không nữa”.

Ôm những quyển sách cũ trên tay, Nguyệt giọng nhỏ nhí: “Con mang lên gửi cho bà bác, con sợ mưa dột ướt hết sang năm con không có sách để học”.

 

Sắp bước vào năm học mới nhưng Nguyệt và Thư vẫn chưa có sách vở, quần áo mới để đi học.

Chị Lục Thuỳ Dương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đầm Dơi, cho biết: “Huyện hội đang nhận đỡ đầu cho 17 bé, trong đó có 11 bé có cha, mẹ mất do dịch Covid-19, còn lại 6 bé có hoàn cảnh khác. Hội cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ các cháu nhiều hơn, vận động hỗ trợ sách vở cho các cháu có điều kiện đến trường, cháu nhỏ thì vận động sữa, quần áo...”.

Chị Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chia sẻ: “Không có cái khổ nào bằng cái khổ mất cha, mất mẹ, nên Chương trình “Mẹ đỡ đầu” rất ý nghĩa và nhân văn. Hội mong muốn qua đây các cháu và gia đình vơi bớt nỗi đau mất đi người thân”.

Dịch bệnh đi qua đã cướp đi biết bao tình thân của những đứa trẻ thơ vô tội. Mới đây, để góp phần xoa dịu nỗi mất mát cho các em, Hội LHPN tỉnh phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho các trẻ em bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trên thực tế, các em cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của xã hội và cộng đồng, hãy chắp cho các em thêm đôi cánh để các em đủ tự tin, vượt qua mặc cảm thiếu thốn, lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn để em vững tin tiến bước về phía trước./.

Theo CMO

Facebook Youtube Top