Doanh nghiệp miền Tây tuyển lao động, chấp nhận chi phí sàng lọc F0
Nhiều tỉnh thành miền Tây liên tục phát hiện F0 trong các nhà máy thủy sản. Doanh nghiệp tốn thêm chi phí để sàng lọc liên tục nhằm bóc tách ca nhiễm nCoV.
Hai tuần qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản ở các tỉnh, thành miền Tây là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cần Thơ phát hiện ca nhiễm nCoV. Để thích ứng với dịch Covid-19, các doanh nghiệp đầu tư thêm máy xét nghiệm RT-PCR và nâng tần suất xét nghiệm nhanh để ngăn chặn rủi ro, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất.
Đối với 31 F0 cộng đồng tại thị xã Giá Rai (Bạc Liêu), có nhiều trường hợp liên quan chuỗi lây nhiễm của hai công ty thủy sản Tấn Khởi và Châu Bá Thảo.
Không chỉ Bạc Liêu, chuỗi lây nhiễm liên quan đến doanh nghiệp thủy sản còn xuất hiện tại Cà Mau với 43 F0. Ca nhiễm liên quan được phát hiện ngày 25/10, sau gần 2 tháng doanh nghiệp đề xuất Trung ương áp dụng “7 xanh” để an toàn phòng dịch.
Tại Sóc Trăng, tối 4/11, tỉnh này ghi nhận 238 F0 mới, nâng tổng ca mắc Covid-19 trong toàn tỉnh lên 6.409 người (tính từ 27/4).
Để sản xuất an toàn, các doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây siết chặt việc quản lý công nhân. Ảnh: Nhật Tân.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Sóc Trăng, cho biết KCN An Nghiệp lúc cao điểm có gần 23.000 công nhân. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, KCN này chỉ còn 18.000-20.000 công nhân vì vài doanh nghiệp có F0 khiến một số người lao động ngại đi làm vì sợ lây bệnh.
Để thích ứng với Covid-19, các doanh nghiệp tại KCN An Nghiệp đã xét nghiệm nhanh công nhân với tầng suất 3 ngày một lần. Việc xét nghiệm này tốn kém thêm nhiều chi phí nhưng giúp doanh nghiệp sớm bóc tách F0 ra khỏi dây chuyền sản xuất.
“Có 3-4 nhà máy phát hiện F0 vì mật độ tầm soát của doanh nghiệp rất cao. Việc xét nghiệm thường xuyên sẽ tốn kém nhưng giúp tách F0 ra khỏi nhà máy kịp thời để không ảnh hưởng đến sản xuất”, ông Trong chia sẻ.
Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (chuyên chế biến tôm xuất khẩu tại Sóc Trăng) - cho biết doanh nghiệp thường xuyên test nhanh cho công nhân để sớm phát hiện rủi ro nếu có. Công nhân nghỉ 2-3 ngày khi quay lại xưởng làm việc đều được xét nghiệm nCoV.
“Chúng tôi chấp nhận tốn kém vì phát sinh thêm chi phí xét nghiệm cho công nhân. Thà tốn kém như vậy nhưng bình an là được, mong người lao động đừng gặp phải dịch bệnh”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, công ty đã thông báo tuyển công nhân để đủ lực lượng sản xuất nước rút vào những tháng cuối năm. Sau khi nhận hồ sơ, doanh nghiệp kiểm tra công nhân ở vùng có cấp độ dịch nào, tiêm vaccine ra sao.
Người tìm việc đã tiêm 2 mũi vaccine và đến từ vùng xanh sẽ được Công ty Khánh Sủng ưu tiên cho đi làm trước.
Tầng suất xét nghiệm công nhân 3 ngày một lần giúp doanh nghiệp thủy sản bóc tách F0 kịp thời. Ảnh: Nhật Tân.
Tại Cà Mau, cơ quan chức năng thống kê được 17 doanh nghiệp địa phương có nhu cầu tuyển dụng 4.414 người. Trong đó, lao động phổ thông 3.900 người, qua đào tạo 514 người liên quan đến lĩnh vực chế biến thủy sản.
Đối với doanh nghiệp ngoài tỉnh Cà Mau, có 167 đơn vị tuyển dụng 31.132 người làm việc tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Nói với Zing, anh Lưu Trường Giang - đại diện Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (Trần Đề, Sóc Trăng) - cho biết giá tôm thẻ đang giậm chân tại chỗ và có dấu hiệu giảm nhẹ vì ảnh hưởng dịch Covid-19 tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chiều 4/11, Công ty Tấn Phát mua tôm thẻ kích cỡ 20 con mỗi kg giá 240.000 đồng. Tôm thẻ loại 25 con mỗi kg giá 180.00 đồng, 30 con 164.000, 40 con 145.000, 50 con 130.000, 60 con 119.000, 70 con 114.000, 80 con 108.000, 90 con 101.000 và 100 con 96.000 đồng/kg.