Đổi thay từ chính sách giảm nghèo ở Bạc Liêu
Nhờ phát huy nội lực của cộng đồng, biết kết nối toàn bộ sức mạnh từ phía người dân, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội mà giờ đây bộ mặt nông thôn nhiều xã, huyện tại tỉnh Bạc Liêu đã đổi khác. Đặc biệt, nhờ những nỗ lực ấy mà có hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vươn lên khấm khá.
Ấp Nhà Lầu giữa “cánh đồng chó ngáp”
Cách đây không lâu có dịp trở lại huyện Hồng Dân-một trong những vùng trũng nghèo của Bạc Liêu, chúng tôi ngỡ ngàng bởi áo mới đã được khoác lên cho quê hương. Những con đường liên ấp sình lầy trước kia giờ đã được thay bằng đường bê tông, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng. Nhiều ngôi nhà mái ngói xây dựng kiên cố thay cho nhà vách lá làm sáng đẹp hơn bộ mặt thôn, xóm.
Như để minh chứng thêm cho sự “thay da đổi thịt” ở vùng vốn được người dân gọi là “cánh đồng chó ngáp”, đồng chí Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện dẫn chúng tôi vào thăm ấp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thạnh Lợi A và không quên khoe: “Nơi đây trước kia là vùng đất hoang vu, nhiễm phèn, chỉ toàn là cỏ năn, dừa nước.
Mô hình tôm - lúa giúp nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân và huyện Phước Long (Bạc Liêu) thoát nghèo bền vững. Ảnh: TRUNG TÍNH
Để thay đổi bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân, Nghị quyết XI của tỉnh ra đời. Cụ thể hóa nghị quyết, Hồng Dân đẩy mạnh các phong trào chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đưa màu xuống ruộng... trên cơ sở Nhà nước đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, làm tốt công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng và đầu tư cho sản xuất. Gắn với công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng là phong trào làm đường giao thông nông thôn, biến những con đường lầy lội, sình bùn thành đường trải nhựa hoặc trải bê tông.
Giao thông, thủy lợi đã tác động tích cực cho sản xuất và đời sống. Đất không phụ lòng người, đời sống người dân ngày càng khấm khá. Người dân trong ấp đều xây được nhà lầu khang trang. Cũng từ đó, ấp Nhà Lầu rồi Nhà Lầu 1, 2 ra đời”.
Tương tự, huyện Phước Long trước đây cũng là vũng lõm nghèo của tỉnh Bạc Liêu. Với tỷ lệ hộ nghèo trên 22%, người dân Phước Long thời ấy đi đâu cũng kêu khó, kêu khổ. Nhưng khó không phải là không làm được và người dân Phước Long đã cho thấy sức vươn lên của mình. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, Phước Long đề ra lộ trình thoát khỏi những yếu kém và vươn tới mục tiêu lớn đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, chỉ còn 1%.
Giờ đây nói đến Phước Long, người ta nghĩ ngay đến huyện của mô hình tôm-lúa, nhiều hợp tác xã rau màu, nhiều mô hình nuôi trồng hiệu quả. Ông Trương Văn Tự, ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, một trong những hộ thoát nghèo bền vững nhờ thành công của mô hình tôm-lúa cho hay: “Ngày trước ở đây chỉ độc canh cây lúa, giá cả bấp bênh nên đời sống cũng khốn khó.
Từ khi áp dụng mô hình tôm-lúa, do là sản phẩm sạch cho nên tôm, lúa sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá ổn định ở mức cao. So với trước đây khi độc canh cây lúa, các hộ chuyển đổi sang mô hình tôm-lúa cho năng suất tôm nuôi bình quân đạt khoảng 450-500 kg/ha, giúp người dân tăng lợi nhuận lên gấp hai, ba lần”.
Đa dạng hóa sinh kế để thoát nghèo bền vững
Tìm hiểu thực tế về những kinh nghiệm hay trong công tác giảm nghèo ở Bạc Liêu, chúng tôi được lãnh đạo địa phương cho biết, giải pháp giảm nghèo chỉ đơn giản là tiếp cận đa chiều và đa dạng hóa sinh kế theo phương châm “Cho cần câu chứ không cho con cá”.
Câu chuyện của gia đình anh Dương Văn Việt, ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi càng minh chứng rõ hiệu quả từ các giải pháp thoát nghèo ở Bạc Liêu. Theo lời anh Việt, trước đây gia đình anh cũng là hộ nghèo do không có đất sản xuất, nhà cửa xiêu vẹo. Để giúp gia đình anh Việt, Đảng ủy thị trấn Châu Hưng đã vận động các nhà hảo tâm xây tặng gia đình căn nhà kiên cố; phân công cán bộ, đảng viên đỡ đầu, hướng dẫn cách làm ăn phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng của anh Việt. Chính quyền vận động các hộ dân cho gia đình anh mượn đất trên các bờ liếp để trồng màu. Từ đó giúp gia đình có thu nhập ổn định, đến nay đã thoát nghèo.
Mô hình trồng rau màu cho thu nhập cao của Hợp tác xã 8.3 ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: THÚY AN
Tương tự, tại thị xã Giá Rai, đồng chí Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã cho biết, trao phương tiện sinh kế được xác định là một trong những mô hình hiệu quả thực hiện giảm nghèo của địa phương. Các phương tiện được trao tặng dựa trên nguyện vọng, hoàn cảnh thực tế của từng hộ, nhờ đó người nghèo có cơ hội mưu sinh phù hợp với bản thân.
“Ai thiếu đất sản xuất thì địa phương giúp họ học nghề, làm nghề; nếu có đất mà thiếu vốn thì đầu tư vốn để chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, Giá Rai còn phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc để kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo bằng nhiều hình thức. Đến nay, trên địa bàn thị xã chỉ còn chưa đến 1% hộ nghèo, số hộ cận nghèo cũng giảm mạnh”, đồng chí Đỗ Minh Thắng nói.
Cùng với giải pháp trên, Bạc Liêu cũng rất quan tâm thực hiện chính sách cho vay ưu đãi tín dụng dành cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng đã làm tốt công tác vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp hỗ trợ, xây dựng 118 căn nhà cho hộ nghèo, trị giá mỗi căn 30-50 triệu đồng. Đặc biệt, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh, các doanh nghiệp và ngân hàng đã xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ xuống địa bàn khảo sát, nắm nhu cầu của từng hộ và lên kế hoạch giúp đỡ cụ thể theo khả năng của từng đơn vị. Đến nay, các đơn vị đã nhận giúp đỡ 2.197/2.410 hộ nghèo với số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ khi thay đổi cách tiếp cận giảm nghèo, người nghèo trên địa bàn huyện đã không còn ỷ lại trông chờ chính sách hỗ trợ. Nhiều người ý thức được việc từ nay sẽ không được “cho không” ký gạo, gói mì hay chai dầu ăn nữa... mà thay vào đó, họ đã ý thức được phải nỗ lực tự làm, tự ăn. Nhờ vậy, nhiều người nghèo đã mạnh dạn vay vốn, học nghề, thay đổi phương thức sản xuất. Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, giờ đây người dân đã chuyển sang làm mô hình trang trại, kết hợp sản xuất vườn-ao-chuồng. Nhiều hộ còn mạnh dạn liên kết tạo ra các hợp tác xã sản xuất, nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân.
“Những thành công trong công tác giảm nghèo bền vững ở Bạc Liêu đã chứng minh một thực tế, việc thay đổi cách tiếp cận trong các chính sách giảm nghèo từ việc cho không tới hỗ trợ có điều kiện đang phát huy tác dụng mạnh mẽ. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện giúp đỡ hộ nghèo theo các chiều thiếu hụt và nguyên nhân nghèo từng hộ, bảo đảm thoát nghèo theo kế hoạch đề ra”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bạc Liêu giảm, với 842 hộ, chiếm 0,37% và 3.267 hộ cận nghèo, chiếm 1,45% dân số. Bạc Liêu đặt ra mục tiêu trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng phía bắc Quốc lộ 1A giảm 2%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1%, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm dưới 3%, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh còn dưới 10%.