Giỏ hàng

Dự án Khu dân cư tái định cư rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu: còn nhiều bất cập

Kết thúc đợt giám sát của HĐND tỉnh, cả chủ đầu tư Dự án Khu dân cư tái định cư (TĐC) rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh và chính quyền địa phương đều chưa trả lời được câu hỏi: Khi nào sẽ bắt đầu di dời dân cư từ rừng phòng hộ vào khu TĐC? Dự án này đã kéo dài thêm 2 năm, trong khi đó, sự cần thiết phải di dời nhanh chóng các hộ dân ra khỏi khu vực rừng phòng hộ ai cũng thấy rõ.    

HĐND TỈNH 2 LẦN GIÁM SÁT

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát - Hồ Thị Tuyết Nhung cho biết, hiếm có một dự án nào trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh phải 2 lần giám sát, ban hành nghị quyết dừng triển khai giai đoạn 2, nhưng giai đoạn 1 vẫn thực hiện chưa xong. Bà Nhung khẳng định, đây là chủ trương rất đúng đắn của tỉnh, mang đậm tính nhân văn dành cho cư dân nghèo đang cư trú bất hợp pháp trong rừng phòng hộ và đang sinh sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển, có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống khi triều cường cao, sạt lở, bão…

Triển khai thực hiện từ năm 2014, toàn dự án có 988 hộ (3.984 nhân khẩu) thuộc đối tượng phải di dời. Trong đó, dự án giai đoạn 1 bố trí 403 nền TĐC cho các hộ nằm trong tiêu chí tự cất nhà ở. Cụ thể, TP. Bạc Liêu có 20 nền (mỗi nền ngang 8,33m, dài 60m), huyện Hoà Bình 325 nền (mỗi nền chiều ngang 10m, dài 50m), huyện Đông Hải 58 nền (mỗi nền ngang 10m, dài 50m). Tuy nhiên, đến nay cốt nền vẫn chưa thể cất nhà được; khu TĐC ở ấp Bửu 2 cùng các công trình phúc lợi xã hội như: trường học, nhà văn hóa cộng đồng, công trình cấp nước… đã xây xong từ năm 2018 nhưng chủ dự án vẫn chưa bàn giao cho UBND huyện Đông Hải để đưa vào khai thác, sử dụng.

Để hoàn thành dự án ở giai đoạn 1, Nhà nước đã đầu tư hơn 237 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 173,5 tỷ đồng, địa phương đối ứng 63,5 tỷ đồng. Đơn vị chủ đầu tư đã giải ngân toàn bộ nguồn vốn để thực hiện hoàn thành hạng mục san lấp mặt bằng, lát gạch vỉa hè, xây dựng đường giao thông, công trình cấp nước, hạ thế điện, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng cùng các hạng mục phúc lợi xã hội khác. Đoàn giám sát chỉ ra hạn chế ở cả 3 điểm bố trí TĐC tọa lạc tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) và xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) là cao độ san lấp mặt bằng nền xây nhà thấp hơn cao độ mặt bằng đường giao thông từ 0,6 tấc đến 1m, người dân không thể cất nhà được. Vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho biết, đơn vị này đã lập khái toán trình UBND tỉnh bổ sung hơn 40 tỷ đồng để nâng cao độ mặt bằng xây nhà, bằng 1/2 diện tích cấp cho mỗi hộ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại khu bố trí rừng phòng hộ tái định cư tọa lạc tại xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: T.Đ

CẦN SỰ QUYẾT TÂM CỦA CHÍNH QUYỀN 

Một vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện dự án là việc hỗ trợ sinh kế cho các hộ khi di dời về nơi ở mới, cụ thể là chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, chi phí hỗ trợ cuộc sống ban đầu, đảm bảo nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…, nhất là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Ông Vương Phương Nam - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thành viên đoàn giám sát đề nghị các địa phương cần rà soát lại thật kỹ thông tin ở mỗi hộ, bao gồm: thành viên phát sinh ở mỗi hộ gia đình, đối tượng trong độ tuổi lao động, khả năng lao động, nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm… để việc hỗ trợ đảm bảo khả thi, phát huy hiệu quả tốt, nhất là không để xảy ra khiếu nại về sau, không để trục lợi chính sách bằng cách lén lút sang nhượng nền nhà hoặc cấp nền sai đối tượng. Chính quyền các địa phương cần có sự quyết tâm cao trong thực hiện, đặc biệt là với công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục đảm bảo 100% hộ dân đồng thuận với chủ trương di dời của tỉnh. Để làm được điều đó, trước mắt ở cả 3 khu TĐC phải tiến hành làm nơi neo đậu tàu, ghe đảm bảo ổn định đời sống sản xuất, mưu sinh của người dân.  

Đặc biệt, Sở NN&PTNT (đơn vị chủ đầu tư dự án) cần nhanh chóng hoàn thiện phương án di dời các hộ dân; xây dựng chính sách hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ di dời, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm và một số chính sách hỗ trợ khác để các địa phương vận dụng đảm bảo cuộc sống của người dân nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, không phải chỉ di dời đến nơi ở mới là xong.

Cả đơn vị làm chủ đầu tư và chính quyền địa phương đều được đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị cần nỗ lực khắc phục những hạn chế của dự án, nhanh chóng hoàn thành các công việc còn lại, đảm bảo đủ điều kiện để các địa phương tiến hành di dời dân vào các khu TĐC càng sớm càng tốt, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Theo BLO

Facebook Youtube Top