Giỏ hàng

Hai dự án quan trọng của Bộ Công an: Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn Cước công dân

Dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn Cước công dân là một trong những dự án được ưu tiên triển khai góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Để công dân hiểu rõ hơn về 02 dự án trên, Công an tỉnh Bạc Liêu sẽ thông tin một số nội dung cơ bản cũng như có những giải đáp về một một số vướng mắc được đông đảo người dân đặt ra trong thời gian qua.

Giảm bớt những thủ tục hành chính, kết nối với các bộ, ngành

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, từ 01/7, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ đi vào hoạt động; Điều này góp phần bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính như: chi phí do phải đi lại nhiều lần, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ...

Việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các bộ, ngành; trong đó, mã số định danh cá nhân được coi là “chìa khóa” để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Cuối năm 2019, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an kiểm tra tiến độ thực hiện Cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là hệ thống hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và truyền thông hướng dẫn. Hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã tổ chức kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với một số bộ, ngành như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông… để sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân giải quyết thủ tục cấp thẻ bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, địa phương kết nối với 27 tỉnh/thành phố dự kiến trước 01/7, để cung cấp 236 dịch vụ công, các tỉnh còn lại sẽ được tiến hành kết nối trong tháng 7.

Không có việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân

Cũng theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an khi người dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021; còn khi công dân giao dịch hành chính thì các cơ quan chức năng khai thác thông tin công dân qua việc kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thông qua số định danh cá nhân của công dân.

Bộ Công an cũng khẳng định không có việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân trong quá trình khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Bộ Công an cũng khẳng định không có việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân trong quá trình khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Thiết kế hệ thống được đảm bảo an toàn mức độ cao nhất, hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến với nhiều phần mềm chuyên dụng, được xác thực của Ban Cơ yếu Chính phủ. Vì vậy đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối. 

Song, để tránh việc đánh cắp, lợi dụng thông tin cá nhân, người dân khi sử dụng dữ liệu của mình cần chủ động hạn chế chia sẻ các thông tin như: Số điện thoại, địa chỉ mail, địa chỉ nhà ở, thông tin gia đình, người thân, số CMND/CCCD… trên mạng xã hội. Trong các trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin cá nhân, người dân cần phải xem xét tính hợp pháp của cơ quan, tổ chức mà mình cung cấp, đồng thời có yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức đó phải đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của mình. 

Khi nào sẽ chính thức bỏ Sổ hộ khẩu?

Theo quy định của Luật Cư trú thì từ ngày 01/7, cơ quan Công an sẽ không cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi công dân đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. 

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi dùng Sổ hộ khẩu điện tử, để thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú công dân có thể nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hoặc trực tiếp tới Công an xã, phường, thị trấn để đăng ký cư trú. 

Thông qua việc thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú như: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thông tin của công dân sẽ được cập nhật, bổ sung vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Những tiện ích của thẻ Căn cước công dân

Thẻ Căn cước công dân có số định danh cá nhân của công dân sẽ thay thế Sổ hộ khẩu trong việc thực hiện giao dịch của công dân với các cơ quan, tổ chức. Chíp điện tử, mã QR code trong Căn cước công dân có chứa số CMND, người dân không phải xin xác nhận CMND 9 số trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức.

Mã QR code trên thẻ Căn cước công dân cho phép người dân dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần cung cấp.

Trên thẻ Căn cước công dân được in song ngữ, gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh rất thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch chung và giao lưu hội nhập trong khu vực và quốc tế. Thẻ Căn cước công dân có ứng dụng sinh trắc học dùng để xác thực công dân với mức độ an toàn cao, không bị lợi dụng danh tính khi bị mất thẻ Căn cước công dân.

Mã QR code trên thẻ Căn cước công dân cho phép người dân dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần cung cấp, thuận tiện khi các dịch vụ Chính phủ điện tử, ngân hàng viễn thông cho phép thực hiện trực tuyến từ xa thông qua điện thoại di động, máy tính, không cần phải đến tận nơi để giao dịch.

Thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần... có thể được sử dụng và kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ các giao dịch của công dân với các cơ quan, tổ chức mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ. 

Chíp điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp điện tử tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Với việc đưa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đi vào hoạt động, cùng với việc cấp thẻ Căn cước công dân, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để tích hợp nhiều trường thông tin của công dân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe… vào trong chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân. Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có lộ trình để người dân có thể chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế cho các loại giấy tờ khác./.

Trọng Nghĩa- Tấn Tài

Facebook Youtube Top