Hành trình lấy bằng tốt nghiệp THPT của cụ ông 82 tuổi
Là thí sinh lớn tuổi nhất trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022, cụ Nguyễn Huy Kỳ (82 tuổi) vui mừng thông báo đã đỗ tốt nghiệp. Hành trình học để lấy được tấm bằng của cụ ông mới thật gian nan.
Chia sẻ với PV, cụ Kỳ phấn khởi khoe điểm thi môn Toán 3,6 điểm; môn Ngữ văn 4,75; Lịch sử 7,5 và Địa lý 6,5. Cộng với 0,25 điểm ưu tiên thí sinh thuộc đối tượng có tuổi đời từ 35 tuổi trở lên và là học viên giáo dục thường xuyên có chứng chỉ Tin học loại A (cộng thêm 1 điểm khuyến khích), cụ Kỳ đã thừa điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay.
Thí sinh Nguyễn Huy Kỳ chống nạng dự thi tại Điểm thi THCS Thanh Xuân, Quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Trọng Tài
Trước đó, khi kết thúc kỳ thi, cụ cứ lo lắng môn Toán sẽ bị điểm kém vì không làm được hết đề thi. Tuy nhiên, Lịch sử và Địa lý là 2 bài thi không làm khó được cụ ông đã từng “vào sinh ra tử”.
Nhận được kết quả thi, không giấu nổi niềm vui sướng, tự hào, cụ khoe: “Vậy là bao nhiêu công sức của tôi đã được đền đáp. Ngay sau khi có bằng, tôi sẽ tiếp tục học Y sĩ để làm nghề truyền thống của gia đình”.
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội, hình ảnh cụ chống gậy đi từng bước chậm rãi và chạy xe 3 bánh đến điểm thi gây xúc động cho nhiều người.
Cụ tự chạy xe 3 bánh đến điểm thi và nhận được sự động viên của nhiều người.
Từng đi bộ đội bị thương, phải cắt cụt một chân và thay bằng chân giả để đi lại hằng ngày nhưng cụ vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ của nạng mới có thể vững vàng. Ngay trong kỳ thi, biết mình di chuyển lâu hơn thí sinh khác, cụ thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị, đến điểm thi thật sớm. Khi hết giờ thi, gần như cụ là người cuối cùng rời khỏi điểm thi.
Từng cơm nắm, bánh mì đi học
Cụ kể, hành trình học và thi đỗ tốt nghiệp như hôm nay không hề đơn giản, thậm chí có giai đoạn tưởng chừng như không thể theo nổi vì ốm yếu.
Ông tự nhận, thời trẻ rất ham học nhưng “lận đận” con đường học vấn nên mãi đến tuổi già vẫn chưa có được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Đến nay, dù đã tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn lấy quyết tâm học chữ nào hay chữ đó để mở rộng vốn hiểu biết cũng như lấy được tấm bằng để theo đuổi làm nghề thầy thuốc đông y chữa bệnh cho người dân.
“Tôi đã đăng ký vào học Trung tâm giáo dục Thường xuyên - Giáo dục Nghề nghiệp quận Thanh Xuân. Đi học mắt kém, nhiều lúc nhìn lên bảng nhòe nhoẹt, không đọc nổi chữ thầy cô viết. Có đợt ốm quá, tưởng chừng phải bỏ dở nhưng tiếc công sức, tôi lại cố theo hết các năm học”, ông tâm sự.
Ông Kỳ cũng nhớ lại những ngày tháng ôn thi, nhà trường cho học chính, học thêm cả buổi chiều, người nhà phải cơm đùm, cơm nắm cho ông ở lại. Cũng có hôm, nhỡ bữa, ông đành nhờ học viên khác mua giúp cái bánh mì ăn tạm để có sức học tiếp buổi chiều. Đến sát ngày thi, con cái lo bố không đủ sức khỏe dự thi nhưng ông tự tin: “Mình đã học được thì phải tự tin thi cử và hoàn thành các bài thi của mình”.
Bà Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên quận Thanh Xuân đánh giá: "Trong quá trình học tại trung tâm, ông Kỳ chăm chỉ, luôn đi học đúng giờ. Ngoài ra, cụ khiêm nhường, có tinh thần học hỏi thầy cô, chỗ nào chưa hiểu cụ sẽ nhờ giảng lại".
Cụ cho rằng, đi học không tuổi nào là muộn. Được học trong điều kiện đủ đầy như ngày hôm nay, người trẻ càng phải biết tận dụng mọi cơ hội vì tri thức chính là sức mạnh để phát triển bản thân cũng như góp phần xây dựng đất nước. “Tôi già rồi mỗi ngày vẫn nghe đài, đọc báo, xem thời sự để mở rộng vốn hiểu biết. Là người trẻ, càng cần phải học, đặc biệt chú trọng học để phát triển khoa học kỹ thuật, phục vụ cho con người, bảo vệ tổ quốc. Nếu tuổi trẻ mà lười học, dừng việc học là rất lãng phí”, ông nhắn nhủ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nói rằng: "Cụ Nguyễn Huy Kỳ ở tuổi rất cao nhưng vẫn học tập và đăng ký dự thi để lấy bằng xét tốt nghiệp. Thực tế, cụ đã không quản ngại khó khăn, học tập chăm chỉ, kết quả đạt được mục tiêu của mình là tấm gương về tinh thần hiếu học, học tập suốt đời cho nhiều người".