Học trò miệt U Minh khao khát những cây cầu
Mỗi sáng, tụi nhỏ ở đoạn kênh 96, ấp 11 (xã Nguyễn Phích) líu ríu gọi nhau đến trường, cười nói líu lo váng cả mặt sông.
6h sáng, cháu Nguyễn Ngọc Châm Anh (7 tuổi), con anh Nguyễn Văn Nghị, trưởng ấp 18 đã cặp vở tươm tất chào ba mẹ đến trường. Một chuyến đò đi ngang đây sẽ đón bé và các bạn đến trường Tiểu học Thị trấn B, thuộc huyện Thới Bình lân cận.
Học sinh Trường Tiểu học Trịnh Minh Hưởng, ấp 11, kênh 96 (xã Nguyễn Phích, huyện U MInh) đến trường - Ảnh: Lý Hồng Duẩn
Chuyến đò cũng hệt chuyến xe buýt ở vùng đô thị, lóc nhóc học trò.
Thêm những con đường mới
“Việc học của tụi nhỏ ở đây gian nan lắm, nhất là việc đi lại. Cứ trường nào gần, thuận lợi thì cho các cháu đi thôi”, anh Nghị nói. Cứ một ngày, phụ huynh trả công cho người đưa đò 25.000 đồng/cháu 2 lượt đi về.
Phần lớn ở xã Nguyễn Phích trước đây chỉ thuần giao thông đường thủy. Cọng rau con cá, cân lúa, ký than gì cũng được vận chuyển toàn bằng xuồng đi trên các con kênh đào ngang dọc ở vùng U Minh. Hơn 10 năm trở lại đây, giao thông nông thôn có được cải thiện nhưng chưa nối thông toàn bộ xã, kể cả với các vùng lân cận.
Bây giờ ở xã Nguyễn Phích, đường bộ dọc các con kênh đã được làm mới nhiều hơn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn xã đã làm mới được 8km đường giao thông nông thôn (kinh phí 4,9 tỉ đồng). Đó là các tuyến lộ Bắc Ông Sâu, lộ kênh 5,5, lộ Tây kênh Tư, lộ Đông kênh Ba Quý, lộ Kênh thầy Hai…
Cũng trong 9 tháng, đã vận động làm mới được 10 cây cầu, tổng chiều dài 205m với kinh phí khoảng 1 tỉ đồng.
Học sinh trên con đường nông thôn "nhà nước và nhân dân cùng làm" ở Kênh Tư - Ảnh: Đặng Đại
Ông Nguyễn Hồng Biên, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, rặt giọng Nam Bộ: “Nhiêu tiền đó so với nơi khác thì không bao nhiêu, nhưng với cái xã nghèo ở cuối miền Tổ quốc lại dọc ngang sông rạch U Minh này là một cố gắng rất dữ dằn”.
Đường nông thôn ở ấp Nguyễn Phích (và các xã ở vùng U Minh nói chung) có đặc điểm là đi cặp các con kênh đào hoặc sông tự nhiên. Trước đó, giao thông thủy là chính. Các con đường trên bờ chỉ là đường ruộng. Nhiều năm gần đây tỉnh có chủ trương đầu tư đường nông thôn và kêu gọi Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhờ đó mà đường sá vươn ra, mọc rễ mọc nhánh, đi lại thuận lợi hơn.
Như nhà anh Nghị trưởng ấp 18, mặt tiền đất 78m. Đường trước nhà đổ bê tông, rộng 2m. “Nhà nước vận động đóng góp mỗi mét tới là 55.000 đồng, vị chi đóng góp 4,3 triệu đồng. Vậy là trước nhà có con đường khang trang, xe máy chạy phà phà”, anh nói.
Đời sống khá giả, đường sá rợp hoa
Một điểm rất độc đáo là những con đường bê tông mảnh mai bên những dòng kênh ở U Minh đều rợp màu hoa: hoa quỳnh anh vàng ruộm, hoa trang trắng đỏ lập lòe, hoa giấy muôn màu sắc… Những buổi sáng sớm, từng tốp học sinh đạp xe đi trên con đường hoa nói cười líu lo trông thật thanh bình.
So với 10-20 năm trước đây, bây giờ đời sống của người dân xã Nguyễn Phích rất khá.
Ông Năm Dội có 2,5ha mặt nước, đặt lợp bắt cá tôm đem ra chợ bán mỗi ngày - Ảnh: Đặng Đại
Ông Năm Dội (nhà ở đoạn rạch Vàm Ông - rạch Ngã Bát) thuộc hộ sống kỳ cựu ở đây. Nhà ông có chừng 2,5ha đầm nước. Cứ khai thông cho nước vào, cá tôm theo đó mà vô. Mỗi ngày ông dỡ lú (một loại đơm cá) đem ra chợ bán được từ 300-700 ngàn đồng, dư sức cho 2 vợ chồng già sống thong thả.
Rất nhiều hộ khá giả như hộ ông Nguyễn Hồng Châu ở ấp 17. Ông Châu có 3ha, nuôi tôm, cua, cá. Ông thường thả tôm sú, tôm thẻ, mỗi năm ông thu khoảng 300 triệu đồng.
“Thu đồng nào chắc đồng nấy chớ cũng không chi phí bao nhiêu, vì lúa thì trồng được, rau cỏ, cá tôm quanh nhà, coi như không mua thứ gì. Chỉ tang ma, giỗ chạp mới trái phải chi tiền”, ông Châu cho biết.
Anh Võ Văn Thi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, cũng còn một số hộ khó khăn nhưng giảm nhiều. Phần lớn hộ khó khăn là những hộ trẻ, mới ra riêng nên không có đất. Số khác là gia đình không có lao động trẻ. Toàn xã có 4.850 hộ và có 181 hộ nghèo.
Do đường giao thông chưa thuận lợi nên việc trường lớp cho học sinh còn khá khó khăn. Toàn xã có 8 điểm trường cấp 2. Cấp 3 phải học ở trung tâm huyện U Minh, cách 11km hoặc thị trấn huyện Thái Bình, cách 8km.
Ông Huỳnh Hoàng Tương, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện U Minh nhìn nhận: So với 5 năm trước thì hôm nay bộ mặt giao thông nông thôn ở U Minh đã thay đổi vượt bậc.
“Với một huyện nghèo và nhiều sông nước thì yêu cầu về đầu tư cho cầu, đường rất lớn mà nguồn vốn của tỉnh, của huyện còn rất hạn hẹp. Nói chung là huyện rất “khát” vốn cho phát triển giao thông”.
Tháng 7/2022, các nhà hảo tâm từ TP.HCM khởi công xây tặng bà con ở các ấp 9, 18, 19 thêm 3 cây cầu - Ảnh: Lý Hồng Duẩn
Riêng về xã Nguyễn Phích, theo ông Tương, đây là xã trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư thì đã vận động được rất tốt sức đóng góp của xã hội để làm đường, làm cầu. Đặc biệt là kêu gọi được các nhà từ thiện từ khắp nơi về đây làm cầu cho dân.
“Cứ vài ba tháng, xã lại có thêm vài ba cây cầu do các nhà hảo tâm đóng góp. Đây là điều rất quý!”, ông Tương bày tỏ. Rất nhiều cây cầu nông thôn thay cầu khỉ ở đây khi hoàn thành có gắn cái biển nho nhỏ ghi tên nhà hảo tâm, như một cách tri ân trân trọng.
U Minh xưa là vùng căn cứ cách mạng. Người dân vùng này nghèo khó mà sắt son. 47 năm sau ngày thống nhất, dù đã có những đổi thay nhưng họ vẫn luôn mong ngóng có cuộc sống tốt hơn, đường sá thuận lợi hơn, để ít nhất không còn cảnh trẻ con bơi xuồng đi học mỗi ngày.
Cần trên 100 cây cầu nông thôn
Anh Lý Hồng Duẩn, cán bộ về Giao thông - Thủy lợi - Lâm nghiệp của xã Nguyễn Phích cho biết, đường sá trong xã hiện vẫn còn các ấp 12, 13, 14, 18, 19, 20 chưa thông. Toàn xã còn cần trên 100 cây cầu nông thôn, mỗi cây cầu cần suất đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Hiện chưa có cầu bê tông, người dân phải đi cầu ván, cầu khỉ như cha ông họ cả trăm năm trước…
“Bức thiết nhất là nối thông những con đường cho học sinh đi học. Như toàn tuyến kinh Tư, mùa mưa, học sinh chỉ có nước đi xuồng”, anh Duẩn nói.
Đặng Đại