Giỏ hàng

Hỏi đáp về bệnh đậu mùa khỉ

 

1/ Bệnh đậu mùa khỉ là gì? 

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do vi-rút đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người hoặc lây từ người sang người. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công gô và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

 

2/ Những triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ? 

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh như: sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban, tổn thương ở da. Các tổn thương da có ban đầu sẽ bằng phẳng, sau đó chứa dung dịch, sau một thời gian sẽ đóng vảy, khô và bong ra. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài nốt cho đến vài nghìn nốt. Những nốt này có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

 

Các triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần và thường tự biến mất hoặc khi được chăm sóc hỗ trợ, chẳng hạn như sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc hạ sốt. Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc nặng. Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc biến chứng cao hơn bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch. Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ hoặc trong trường hợp có tiếp xúc với người bị bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

 

3/ Bệnh đậu mùa khỉ có nghiêm trọng hoặc gây tử vong hay không? 

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên ở một số người, chúng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí là tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Đậu mùa khỉ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn và các vấn đề về mắt.

 

4/ Bệnh đậu mùa ở khỉ lây từ động vật sang người như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi họ tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh. Vật chủ bao gồm các loài gặm nhấm và linh trưởng. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ động vật bằng cách tránh tiếp xúc (khi không có bảo hộ cá nhân) với động vật hoang dã, đặc biệt là những động vật bị bệnh hoặc đã chết (kể cả thịt và máu của chúng). Ở các quốc gia lưu hành động vật mang bệnh đậu mùa khỉ, bất kỳ thực phẩm nào có thịt hoặc các bộ phận của động vật phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.

 

5/ Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người như thế nào?

Bạn có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người mắc bệnh bao gồm tiếp xúc mặt đối mặt, da kề da, miệng-miệng hoặc miệng-da, kể cả quan hệ tình dục. Hiện, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về khả năng lây nhiễm của những người bị bệnh đậu mùa khỉ, nhưng nhìn chung họ được coi là có khả năng lây nhiễm cho đến khi tất cả các tổn thương da của họ đóng vảy, vảy bong ra và một lớp da mới hình thành bên dưới.

 

Khi một người nhiễm bệnh chạm vào quần áo, giường, khăn tắm, đồ vật, thiết bị điện tử và các bề mặt. Người khác chạm vào những đồ vật này sau đó có thể bị nhiễm bệnh. Cũng có thể bị nhiễm bệnh do hít phải vảy da hoặc vi-rút từ quần áo, giường hoặc khăn tắm. Vi-rút này cũng có thể lây lan từ phụ nữ mang thai qua thai nhi, sau khi sinh qua tiếp xúc da kề da, hoặc từ cha mẹ bị bệnh đậu mùa khỉ sang trẻ sơ sinh hoặc trẻ em khi tiếp xúc gần gũi.

 

Các cơ chế lây truyền qua đường không khí đối với bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được hiểu rõ và đang được tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu thêm. Đã có những trường hợp nhiễm không triệu chứng được báo cáo, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa rõ liệu những người nhiễm không có chứng này có thể lây bệnh hay không hoặc có thể lây lan qua các chất dịch cơ thể khác hay không. Ngoài ra, các mẩu DNA của vi-rút đậu mùa khỉ đã được tìm thấy trong tinh dịch, nhưng người ta vẫn chưa biết liệu bệnh có thể lây lan qua tinh dịch, dịch âm đạo, nước ối, sữa mẹ hoặc máu hay không. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm hiểu thêm.

Đối tượng nguy cơ; Cách phòng bệnh

 

1/ Những ai có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Bất kỳ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhân viên y tế cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân khi chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Người đã tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng là đã tiêm phòng bệnh đậu mùa vì hoạt động tiêm phòng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh đậu mùa được “thanh toán” vào năm 1980. Những người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

2/ Làm thế nào để bảo vệ bản thân và người khác chống lại bệnh đậu mùa khỉ?

Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, cần thực hiện những biện pháp sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Khu vực Trung và Tây Phi) cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi-rút đậu mùa khỉ. Tự theo dõi Sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi nhập cảnh. Nếu nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động đến các bệnh viện quận huyện gần nơi cư trú để được tư vấn; Người có dấu hiệu phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến các bệnh viện quận huyện gần nơi cư trú để được tư vấn và chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo cho y tế địa phương để được tư vấn và xử trí kịp thời; Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Nguồn:

https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/monkeypox

Facebook Youtube Top