Khẩn trương tiêu thụ hàng nghìn tấn lúa tồn đọng ở vùng lúa-tôm Cà Mau
Sáng 30/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Lê Văn Sử cho biết, vừa ban hành công văn chỉ đạo chính quyền huyện Thới Bình khẩn trương phối hợp ngành chức năng tỉnh làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, cùng các bên có liên quan để trao đổi, thống nhất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn trong việc hỗ trợ tiêu thụ lúa.
Vùng lúa-tôm Cà Mau đang bước vào thu hoạch rộ nhưng gặp khó về thời tiết và đầu ra.
Theo công văn hỏa tốc từ UBND tỉnh Cà Mau, việc giải quyết khó khăn trong tiêu thụ lúa tại huyện Thới Bình đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trực tiếp trong những ngày qua. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, những bất đồng giữa doanh nghiệp và các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời; việc thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ lúa gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có biện pháp hỗ trợ, gây bức xúc trong nhân dân.
Cũng vì lẽ đó, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND huyện Thới Bình phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long cùng đại diện các hợp tác xã và hộ dân có liên quan để trao đổi, thống nhất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn.
Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Cà Mau lưu ý phân tích, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tác nhân liên quan trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo (UBND huyện, xã; vai trò của hợp tác xã trong đại diện thương thảo hợp đồng, trong thực hiện thu mua, tiêu thụ lúa gạo tập trung; các thành viên hợp tác xã và các hộ dân liên kết thực hiện các nghĩa vụ liên quan; biện pháp xử lý các vấn đề bất cập liên quan đến giao thông, vận chuyển, kho bãi, lò sấy...). Kết quả làm việc và các kiến nghị, đề xuất có liên quan phải báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 6/12/2022.
Nông dân vùng lúa-tôm huyện Thới Bình dùng mọi cách khác nhau để phơi, bảo quản lúa sau thu hoạch.
Như Báo Nhân Dân đã phản ánh trong bài viết “Hàng nghìn tấn lúa chất lượng cao tồn đọng, nhà nông Cà Mau cầu cứu”, những ngày qua, tại vùng lúa-tôm của huyện Thới Bình, nhà nông thu hoạch lúa sớm được hơn 1.900ha, tổng sản lượng hơn 12.400 tấn. Trong số đó, có 970ha lúa chất lượng cao với các giống ST24, ST25, tổng sản lượng hơn 6.300 tấn. Tuy nhiên, nông dân gặp khó trong thu hoạch và đầu ra nên còn tồn đọng hơn 3.800 tấn ST24, ST25.
Trong báo cáo mới đây từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình, từ ngày 20-27/11, vào thời điểm người dân tháo nước trong ruộng để thu hoạch lúa thì gặp lúc mưa nhiều khiến lúa bị đổ ngã, tổng diện tích hơn 19.000ha, mức độ đổ ngã từ 30-70%. Phần lớn diện tích lúa đổ ngã tập trung chủ yếu ở giống lúa ST24, ST25, mức độ đổ ngã từ 30-70%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lúa sau thu hoạch chưa bảo đảm về độ ẩm, bị đơn vị bao tiêu từ chối thu mua, gặp khó khăn về đầu ra.
Vùng canh tác lúa-tôm ở Cà Mau khoảng 40.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và của TP Cà Mau. Ở vùng canh tác trên chỉ sản xuất được vụ lúa duy nhất trong năm, cao điểm thu hoạch lúa thường từ giữa đến cuối tháng 12 dương lịch. Đây cũng là vùng chuyên canh tạo ra nhiều nông sản sạch, như: Lúa hữu cơ, lúa sạch, tôm sinh thái, tôm sú đạt chứng nhận ASC Group - chứng nhận đầu tiên của thế giới về tôm sú nuôi xen canh trên đất trồng lúa...
Tuy nhiên, sản xuất lúa-tôm dễ tổn thương bởi thời tiết. Theo nhận định của ngành chức năng, mưa còn có thể kéo dài đến giữa tháng 12 năm nay vào đúng cao điểm thu hoạch lúa. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro ngành chức năng Cà Mau khuyến cáo nhà nông giữ mặt ruộng khô, tránh tình trạng lúa thu hoạch bị ướt; ngay khi cắt lúa về phải bố trí nơi bảo quản để bảo đảm chất lượng lúa tốt nhất...