Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Cà Mau
Chiều 23/8, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tình hình sạt lở ven biển Tây sáng 23/8.
Theo báo cáo, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, thiên tai, dông lốc và sạt lở… gây thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống dân sinh của nhân dân tỉnh Cà Mau.
Trong đó, thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 đã làm 4 người chết, 5 người bị thương, 4 thuyền viên mất tích trên biển; 17 phương tiện bị chìm; thiệt hại và ảnh hưởng hơn 7.500 ha diện tích cây trồng; hơn 900 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập tràn, thiệt hại; 153 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài hơn 3.000m; 3 vị trí bờ biển bị sạt lở với chiều dài 1.900m; 9 công trình dân sinh và 277 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng... Tổng thiệt hại về tài sản hơn 16 tỷ đồng.
Trong những tháng đầu năm 2022, có 1 người chết, 1 người bị thương, 8 phương tiện khai thác thủy sản bị chìm; 1.559 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 43 công trình do nhà nước đầu tư bị sập, ngã đổ; thiệt hại, ảnh hưởng gần 2.200ha sản xuất nông nghiệp; 97 vị trí ven sông bị sạt lở với tổng chiều dài 2.215m; 5 vị trí bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 2.690m… Tổng thiệt hại về tài sản khoảng 33 tỷ đồng.
Là tỉnh có ba mặt giáp biển và dài nhất về chiều dài bờ biển trong cả nước, Cà Mau được đánh giá là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề một khi thiên tai xảy ra. Cà Mau đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cho cả giai đoạn 2021-2025 theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.
Để đáp ứng tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai trong giai đoạn tới, Cà Mau kiến nghị Đoàn kiểm tra xem xét, đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành Trung ương xem xét lại việc nâng cấp đê biển Tây Cà Mau từ đê cấp IV lên đê cấp III để phù hợp thực tế địa phương; giúp Cà Mau cơ chế đặc thù trong xã hội hóa nguồn lực phòng, chống thiên tai, đặc biệt là xây kè ứng phó sạt lở ven biển; rà soát và điều chỉnh lại tiêu chuẩn thiết kế nhằm cứng hóa mặt đê biển Tây cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Tỉnh cũng đề xuất hỗ trợ 413 tỷ đồng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây; tăng cường hỗ trợ vật tư, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, đặc biệt là cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã…
Tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai của Cà Mau trong thời gian qua. Đồng chí Trưởng Đoàn cho biết, đợt kiểm tra lần này cũng nhằm đánh giá đúng thực trạng, kết quả công tác phòng chống thiên tai năm 2021, cũng như công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai của Cà Mau trong năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Ban Chỉ đạo quốc gia.