Mạnh tay xử phạt vi phạm môi trường
Thêm một quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là ở nơi công cộng, vừa có hiệu lực thi hành. Song, ngay khi quy định này vừa được áp dụng thì lại làm dấy lên những băn khoăn về tính khả thi.
Theo Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường - có hiệu lực từ ngày 25-8 vừa qua, hàng loạt hành vi làm ảnh hưởng tới môi trường sẽ bị xử phạt hành chính với mức cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là các hành vi vi phạm vốn là vấn nạn, gây bức xúc lâu nay như xả rác, ném tàn thuốc lá bừa bãi; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định… Thế nhưng, ai phạt, phạt như thế nào với các hành vi vi phạm Nghị định 45 thì chưa được nêu rõ.
Việc xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cùng mức xử phạt tương ứng là cần thiết, nếu không muốn nói là rất cần thiết, khi nhìn vào thực trạng vấn đề này tại nước ta hiện nay.
Đời sống kinh tế và các điều kiện vật chất của người dân những năm qua đã phát triển nhanh. Tuy nhiên, xem ra, có một số lĩnh vực lại chưa phát triển song hành với kinh tế. Một trong những lĩnh vực được nói tới nhiều là nếp sống văn minh - nhất là văn minh đô thị, văn minh nơi công cộng.
Tại nhiều đô thị, chúng ta dễ dàng bắt gặp các khẩu hiệu như "xây dựng nếp sống văn minh", "xây dựng khu phố văn hóa", "xây dựng gia đình văn hóa", "xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp", "xây dựng thành phố đáng sống"… Tuy nhiên, nhiều khi chẳng phải đâu xa mà ngay dưới khẩu hiệu ấy, tại các tuyến phố với nhà cửa khang trang lại là những hình ảnh không văn minh, văn hóa chút nào. Đó là cảnh nhếch nhác, ô nhiễm bởi rác thải vứt bừa bãi. Ngay dưới biển "Cấm đổ rác" ở nhiều nơi vẫn đầy những túi rác; dưới biển "Cấm tiểu bậy" vẫn là vũng nước bốc mùi khó chịu…
Đã có những đánh giá, lý giải về nguyên nhân vì sao nếp sống văn minh, văn hóa ở một số nơi chậm chuyển biến. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất được nêu ra là ý thức của một bộ phận người dân. Không ít người chưa hình thành ý thức tự giác về nếp sống văn minh. Vì thế, bên cạnh việc trông chờ vào ý thức tự giác của người dân, rất cần những chế tài để thúc đẩy thực thi nếp sống văn minh nhanh hơn.
Trước Nghị định 45 cũng đã có nhiều quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm tương tự. Tuy nhiên, các quy định này chưa đi vào cuộc sống do hầu hết vi phạm đều không bị xử lý. Thế nên, văn bản quy phạm pháp luật có đi vào cuộc sống hay không thì quy định chỉ là điều kiện cần; điều kiện đủ là thực thi đầy đủ, nghiêm minh.
Ai từng tới Singapore đều ấn tượng với trật tự văn minh đô thị của đảo quốc này. Điều đó có được là nhờ những chế tài nghiêm khắc và được thực thi quyết liệt trong thực tế.
Trở lại với Nghị định 45 vừa có hiệu lực thi hành. Nếu không có biện pháp cứng rắn để ai vi phạm cũng đều bị xử phạt thì e rằng các hành vi xả rác, tiểu bậy… vẫn sẽ tiếp diễn - như chuyện hút thuốc lá nơi công cộng vậy.