Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ phân cấp, phân quyền rõ hơn cho TP HCM
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đang khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù
Ngày 22-10, phát biểu tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 và tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, nhấn mạnh vụ việc liên quan Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (CSB), nguồn cung xăng dầu ở TP HCM là những vấn đề lớn.
Xăng dầu cũng đặt ra nhiều vấn đề khi ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân, một số cây xăng dừng hoạt động, trên địa bàn TP HCM đã có xô xát liên quan đến tình trạng này. "Đã có xô xát nghĩa là ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nếu để xảy ra trên diện rộng thì rất khó khăn" - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đang xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54
Lãnh đạo TP HCM đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý các bất ổn của thị trường xăng dầu, có cơ chế, chính sách đầu tư cho dự trữ xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trong đó có TP HCM.
Về Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã nêu rõ các mặt đạt được cũng như tồn tại, hạn chế. Ở góc độ buổi thảo luận tổ, Chủ tịch UBND TP cho biết trong gần 2 năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết này, TP HCM gần như loay hoay để xây dựng kế hoạch, quy chế, tìm kiếm sự phối hợp với các bộ ngành để triển khai, sau đó thì đến thời điểm bùng dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn chỉ rõ sự chủ động, quyết liệt đeo bám của TP HCM trong triển khai các cơ chế, chính sách là chưa đủ. "Khi đến các bộ mà gặp vướng mắc thì TP cũng dừng lại luôn" - ông Phan Văn Mãi nói về sự thiếu quyết liệt trong thực hiện Nghị quyết 54.
Đối với đề xuất kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết đến hết năm 2023, theo Chủ tịch UBND TP, nếu được Quốc hội thông qua, TP sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đang phát huy hiệu quả. TP HCM sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế liên quan đến xử lý tài sản công, hoàn thiện thêm tiêu chí để thu hút nhân tài trong năm 2023...
Người đứng đầu UBND TP HCM cho biết thêm trong giai đoạn kéo dài thực hiện Nghị quyết 54, TP sẽ song song xây dựng dự thảo nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54, không tạo ra khoảng trống về chính sách.
Thông tin sơ bộ về một số nét chính của dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, ông Phan Văn Mãi cho biết sẽ tập trung vào các nhóm, gồm: Cơ chế, chính sách về đầu tư; về tài chính ngân sách; về tổ chức bộ máy, biên chế; về quản lý đất đai, đô thị; về quản lý xã hội; về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức; về cơ chế cho trung tâm tài chính.
Tinh thần của dự thảo nghị quyết mới là thí điểm những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với TP HCM mà luật chưa có quy định, hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Nghị quyết mới sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền rõ hơn cho TP HCM.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đang khẩn trương xây dựng dự thảo, hiện đang xin ý kiến các bộ ngành. Trong đó, vấn đề liên quan đến đầu tư sẽ xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề tài chính xin ý kiến Bộ Tài chính, đô thị sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng, đất đai xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Dự kiến, đầu tháng 11-2022, TP HCM sẽ có báo cáo lần đầu lên Đảng đoàn Quốc hội về dự thảo nghị quyết để có các định hướng hoàn thiện thời gian tới. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP HCM xác định tinh thần sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết để báo cáo Bộ Chính trị, làm cơ sở báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, cho biết tình trạng thiếu thuốc, vật tư đã nêu ra suốt 8 tháng qua, nhưng chưa có nhiều thay đổi, dù Chính phủ, bộ ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết.
Theo ông Thức, các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhân viên y tế phải loay hoay không biết mua sắm, đấu thầu thế nào cho đúng, khiến thời gian làm chuyên môn giảm. Ông Thức dẫn chứng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi dùng các máy cao cấp như máy xạ trị, CT thì phải mua của các hãng độc quyền. Các linh kiện kèm theo máy cũng do hãng đó độc quyền. Một bóng đèn dùng trong máy CT khoảng 3-4 tháng là hỏng, phải thay.
Tuy nhiên vì máy độc quyền, nên khi thay bóng đèn buộc phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Nhưng bất cập ở chỗ, nếu ghi rõ là mua bóng đèn của hãng cụ thể, thì sẽ bị coi là vi phạm, bởi đây là chỉ định thầu.
Bên cạnh đó, quy định khi đấu thấu phải tham khảo 3 bảng báo giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì khó để có được 3 bảng báo giá. Theo đại biểu Thức, khi máy móc cao cấp ở bệnh viện công hỏng khó sửa chữa, bệnh nhân phải chịu thiệt thòi hoặc tìm đến bệnh viện tư.
"Như vậy, bao khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo. Người có tiền sẽ ra bệnh viện tư chữa trị. Nhưng giá dịch vụ bệnh viện tư cao hơn bệnh viện công, thì làm sao đa số người dân tiếp cận được? Người giàu thì không cần lo lắng, nhưng với người nghèo, quyền lợi khám chữa bệnh của họ ở đâu"- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ lo ngại.
Từ thực trạng này, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị trong giai đoạn cấp bách này, Thường vụ Quốc hội cần ra Nghị quyết giải quyết vấn đề bất cập của ngành y, trong đó có việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh.