Ngộ độc rượu gây chết người, tổng kiểm tra toàn TP HCM
Đầu tháng 8-2022, TP HCM đã xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp làm 2 người tử vong.
- Phóng viên: Thưa bà, trước đây các vụ ngộ độc rượu gây chết người do có chứa methanol (cồn công nghiệp - pv) thường xảy ra ở vùng sâu vùng xa, nay lại diễn ra ở TP HCM, vậy nguyên nhân do đâu?
+ Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý Ban An toàn thực phẩm TP HCM: Theo tôi, nguyên nhân sâu xa là do công tác quản lý mặt hàng rượu chưa tốt.
Bên cạnh đó do tác động Covid-19, một bộ phận người dân gặp khó khăn kinh tế nên khi có nhu cầu uống rượu đã tìm đến loại rẻ tiền mà rượu pha từ cồn công nghiệp thì rất rẻ.
Cũng do Covid-19, người dân dự trữ cồn y tế với mục đích sát khuẩn nhiều. Đây là cồn công nghiệp, còn lẫn tạp chất nên chỉ được dùng ngoài da, không được dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều người dùng cồn này để tự pha rượu uống đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý Ban An toàn thực phẩm TP HCM
- Có phải từ vụ ngộ độc rượu gây chết người mới đây mà Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm TP HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM mới triển khai đợt kiểm tra cao điểm đối với mặt hàng rượu bia và đồ uống có cồn?
+ Không phải bây giờ mà trong đợt cao điểm Covid-19 vừa qua, khi xảy ra trường hợp người dân tụ tập uống rượu và ngộ độc chúng tôi đã có chỉ đạo UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra mặt hàng rượu, đặc biệt là rượu không nhãn mác pha từ cồn công nghiệp rất dễ trà trộn, gây độc hại cho người tiêu dùng. Đồng thời, có các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân khi sử dụng rượu.
Tuy nhiên, đầu tháng 8-2022, TP HCM đã xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp làm 2 người tử vong. Do đó, TP HCM mở đợt "tổng kiểm tra" trong phạm vi toàn thành phố, đặc biệt chú ý các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị tịch thu tiêu hủy và xử phạt theo quy định. Không chỉ lực lượng thanh tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM mà các lực lượng liên ngành như quản lý thị trường, công an, các địa phương cũng vào cuộc.
Các đối tượng tập trung kiểm tra là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối rượu; các cơ sở dịch vụ ăn uống có phục vụ rượu bia, đồ uống có cồn tại chỗ xung quanh chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Hoạt động kiểm tra hiện đang được tiến hành khẩn trương. Chúng tôi sẽ thông báo kết quả kiểm tra đến cơ quan thông tin đại chúng, cộng đồng trong thời gian tới.
- Bà có những khuyến cáo gì với những người sử dụng rượu bia?
+ Rượu bia khi bị lạm dụng rất có hại cho sức khỏe bản thân người dùng và nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội.
Nếu đó là rượu dỏm thì sự nguy hiểm thể hiện ngay và có thể gây chết người. Điều nguy hiểm của ngộ độc rượu chứa methanol là rất dễ bị nhầm với các triệu chứng say rượu thông thường như: đau đầu, chóng mặt, lơ mơ,… nên không được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Do đó, người dân nên chủ động phòng tránh. Khi có nhu cầu sử dụng rượu nên chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn vì nhìn bằng mắt thường, kể cả nếm cũng rất khó phân biệt đâu là rượu thật, đâu là rượu pha từ cồn công nghiệp.
Đối với rượu chưng cất tại nhà, khi mua phải bảo đảm nơi có đủ độ tin cậy vì rất dễ bị trà trộn.
Tôi xin nhắc lại, rượu pha từ cồn công nghiệp rất nguy hiểm, có thể chết người. Do đó, bà con phải cảnh giác, không vì rẻ mà phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Hiện nay, cồn công nghiệp được trữ nhiều với mục đích phòng chống dịch, bà con tuyệt đối không dùng pha rượu hay trộn với rượu để uống mà chỉ được dùng đúng mục đích là sát khuẩn ngoài da.
Chúng tôi rất tiếc khi ngay trưa 6-8, báo chí đồng loạt đăng tin vụ ngộ độc rượu ở TP Thủ Đức thì tối cùng ngày lại xảy ra 1 vụ tương tự ở quận 1 khi 1 nhóm các bạn trẻ dùng cồn rửa tay pha vào rượu uống và phải đi cấp cứu.
*Xin cảm ơn bà!