Quyết tâm khắc phục “thẻ vàng”
Ngày 8/2 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp rà soát, triển khai các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh, nhằm nắm lại tình hình và bàn giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chống khai thác IUU trong thời gian tới. Tại đây, phóng viên Báo Cà Mau có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU (Ban Chỉ đạo), về những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mà Cà Mau đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm khắc phục “thẻ vàng”.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh (bìa trái), trong một lần kiểm tra chống khai thác IUU tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, vào cuối năm 2022. |
- Những tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU thời gian qua của tỉnh là gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Sử: Công tác chống khai thác IUU có nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung thực hiện, khắc phục. Trên từng nhiệm vụ cũng có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, nổi lên những vướng mắc lớn. Vấn đề thứ nhất, phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xảy ra tình trạng mất kết nối. Tình trạng mất kết nối xảy ra khá nhiều trên biển, trong bờ, trong khi đó các quy định xử lý chưa đầy đủ, các đơn vị cung cấp thiết bị chưa hoàn thiện trách nhiệm với khách hàng, cho nên việc xử lý là một trong những khó khăn của địa phương thời gian qua.
Vấn đề thứ hai là việc thống kê, xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác xuất đi nước ngoài gặp khó. Trước tiên là việc thống kê sản lượng, do điều kiện hạ tầng nghề cá trong tỉnh chưa hoàn chỉnh. Cà Mau một năm khai thác trên 200 ngàn tấn hải sản nhưng chỉ có hai cảng chỉ định đủ điều kiện thực hiện công việc này, do đó còn một lượng rất lớn sản phẩm khai thác được bốc dỡ ở các bến cá tư nhân, các bến hộ gia đình chưa đủ điều kiện theo quy định.
Vấn đề thứ ba là công tác điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm đối với các phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài. Có nhiều trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là phương tiện bị bắt giữ, con người bị bắt giữ chưa trở về Việt Nam thì việc điều tra, củng cố hồ sơ của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Việc thống kê, xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác xuất đi nước ngoài gặp khó. (ảnh minh hoạ)
- Trước những khó khăn như vậy, tỉnh đã chỉ đạo quyết tâm như thế nào trong công tác này?
Ông Lê Văn Sử: Với yêu cầu chấm dứt tình trạng khai thác vùng biển nước ngoài, yêu cầu về mặt thời gian để tháo gỡ “thẻ vàng” theo khuyến cáo của Liên minh châu Âu thì trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương với tinh thần nâng cao trách nhiệm, phát huy sáng tạo, tự lực tự cường trong việc thực hiện nhiệm vụ cũng như trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như, đối với việc thống kê sản lượng không thể qua được hết các cảng thì chúng tôi đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạm thời cho phép thống kê sản lượng ở các bến cá tư nhân, các bến cá gia đình trong điều kiện họ chưa đủ điều kiện theo quy định. Tăng cường kiểm tra từng phương tiện, từng hộ, đặc biệt là đối với các phương tiện, nhóm phương tiện có nguy cơ cao, yêu cầu thực hiện các cam kết. Kiểm soát trên Hệ thống kiểm soát hành trình tàu cá VMS nhằm kịp thời phát hiện, chủ động làm việc với chủ phương tiện ở trong bờ ngay khi phương tiện trên biển có dấu hiệu bất thường để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những vi phạm. Quyết liệt xử lý nghiêm đối với tất cả các hành vi vi phạm.
Ðã qua, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động xây dựng, ban hành Kế hoạch 180 theo chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương. Tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện hơn một tháng nay, hôm nay Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức họp để rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện trong một tháng, và sau cuộc họp này, Ban Chỉ đạo sẽ chia tổ, chia nhóm đi kiểm tra ở các cơ sở. Kiểm tra việc thực hiện từng nội dung công việc cụ thể, đặc biệt là các công việc có khó khăn, vướng mắc, từ đó cùng các bên có liên quan đề xuất với Ban Chỉ đạo, đề xuất với cấp có thẩm quyền các biện pháp tháo gỡ khó khăn với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương.
- Về cơ sở pháp lý, chế tài đối với hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo hiện nay có những vấn đề gì còn bất cập cần khắc phục, thưa ông?
Ông Lê Văn Sử: Ðể thực hiện được yêu cầu tháo gỡ “thẻ vàng”, có nhiều việc phải làm, trong đó có việc chưa có chế tài. Ví dụ như quy định yêu cầu các bến cá chưa đủ điều kiện phải báo cáo thống kê sản lượng. Vấn đề này chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương yêu cầu các cơ sở này nếu muốn hoạt động khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì phải cam kết thực hiện thống kê sản lượng thuỷ sản theo yêu cầu của ngành chức năng, của chính quyền địa phương. Nếu không thực hiện sẽ không cho phép hoạt động.
- Cà Mau có những đề xuất gì với các bộ, ngành chức năng của Trung ương để tháo gỡ những vướng mắc mà địa phương gặp phải trong thời gian qua?
Ông Lê Văn Sử: Những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, chúng tôi sẽ báo cáo và đề xuất với Trung ương ban hành hướng dẫn. Song, tinh thần là tỉnh không chờ đợi, mà phải có biện pháp tạm thời trước mắt để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu.
- Xin cảm ơn ông!.
Theo CMO