Giỏ hàng

Sẽ có phương án giảm thuế đối với xăng dầu

Trong phiên làm việc sáng 8/6, các ĐBQH dành nhiều thời gian để chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua, đâu là giải pháp để 'kìm' giá xăng dầu trong thời gian tới.

Kiểm soát lạm phát thế nào khi xăng dầu tăng?

ĐBQH Hoàng Văn Cường (ĐBQH TP. Hà Nội) chất vấn, hiện nay lạm phát tăng nhanh, nước ta nhập khẩu nhiều, giá xăng dầu tăng cao, việc giải ngân gói hỗ trợ cũng sẽ gây áp lực lạm phát, vậy Bộ trưởng có giải pháp gì?

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Đoàn TP. Hà Nội.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Đoàn TP. Hà Nội.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các ĐBQH.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các ĐBQH.

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)nêu lên thực trạng giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang ở mức cao. Nữ đại biểu tỉnh Hải Dương đề nghị ông Hồ Đức Phớc nêu rõ quan điểm của Bộ Tài chính về các ý kiến đề nghị cần tiếp tục có các biện pháp giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian này.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, ông Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn. Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, vấn đề đặt ra là có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và UBTVQH. Thời gian qua, UBTVQH đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh giảm thuế nhưng cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách bởi nếu giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả; mặt khác giá không chỉ phụ thuộc thuế mà còn quan hệ cung cầu; cần đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động

Tranh luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) bày tỏ chưa đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính về giá xăng dầu:"Kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nếu can thiệp quá nhiều thì nó không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá tăng - giảm theo hướng tự nhiên theo thế giới".

ĐBQH Nguyễn Văn Thân tranh luận.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân đặt câu hỏi, nếu chúng ta can thiệp thì chỉ can thiệp phần nào. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu giá như thế này thì sẽ ảnh hưởng xuất khẩu. Từ đó đại biểu cho biết, cần can thiệp đúng mức, làm sao để giảm tối thiểu và rẻ nhất so với các nước xung quanh.

Giải trình làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn, do vậy đến một lúc nào đó, Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu.

Phân tích thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói, giảm được giá xăng dầu có rất nhiều lợi ích như: giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh, thúc đẩy vấn đề giải quyết được lao động và từ đó sẽ có tích lũy cho cho nền kinh tế. Bộ Tài chính lại thu được thuế thông qua tăng giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và các mặt hàng khác.

Từ đó, ông Hồ Đức Phớc nói "đây cũng là một giải pháp", tuy nhiên "giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động".

Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ vấn đề đại biểu nêu, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu trong việc tính giá cơ sở là trách nhiệm của ai, có phải của Chính phủ không? Thuế nhập khẩu trong tính giá cơ sở không phải khi nào cũng là trách nhiệm của Quốc hội và UBTVQH.

Ngoài các công cụ về thuế, vấn đề trợ giúp trực tiếp cho những đối tượng chịu tác động như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu trong Phiên họp chất vấn chiều ngày 07/6 như hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, lĩnh vực giao thông vận tải, cho người nghèo, người thu nhập thấp…. phải nghiên cứu toàn diện các công cụ, giải pháp quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo, rà soát những nội dung cũng như nhiệm vụ trước đây chưa hoàn thành. Những vấn đề về thuế, dù là trách nhiệm của thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ hay của Chính phủ, của Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội... cũng cần phải đề xuất từ Bộ quản lý nhà nước.

Hiện nay cử tri và Nhân dân đang trông chờ phản ứng chính sách này, đề nghị Bộ trưởng quan tâm thể hiện quan điểm, nguyên tắc của mình. Bộ trưởng cho biết đã ban hành bao nhiêu văn bản đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết định về giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu, và những mặt hàng khác không chỉ có vấn đề về thuế và phí mà còn có chi phí định mức, lợi nhuận định mức…

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS

Facebook Youtube Top