Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Xử lí ngay các vấn đề cấp bách của ngành y
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu sớm hoàn thành phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân. Nếu vướng mắc cơ chế đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ, xử lí để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến khám và điều trị.
Ngày 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”, do Bộ Y tế tổ chức.
14 tồn tại, hạn chế
Báo cáo Thủ tướng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu 14 tồn tại, hạn chế của ngành Y cần tập trung xử lí trong thời gian tới. Cụ thể là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế...
Bên cạnh đó, hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối. Các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như mệnh giá bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế; chính sách xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công lập còn nhiều tồn tại...
“Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Đổi mới phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, theo định suất chậm được thực hiện”, quyền Bộ trưởng nêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 21/8. Ảnh: Như Ý
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng thẳng thắn nêu hàng hoạt những hạn chế, khuyết điểm, bất cập của ngành y tế. “Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế. Tài chính y tế còn nhiều bất cập (liên quan đến thực hiện tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mệnh giá và thanh toán bảo hiểm y tế liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...). Đâu đó có những bức xúc về y đức của thầy thuốc, về sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó, dù chỉ là số ít, cá biệt...”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, muốn xử lí dứt điểm tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện, chính sách đấu thầu phải minh bạch, khả thi, tránh tâm lí e ngại khi tổ chức đấu thầu, các bộ ngành chung tay vào tháo gỡ vướng mắc hợp tác công tư, phát triển y tế tư nhân, đấu thầu...
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ngành Y tế cần tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vắc xin, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách li, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghiên cứu chính sách, xem xét công nhận liệt sĩ cho y bác sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ và bảo vệ y bác sĩ.
“Khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức. Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân (nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi (OOP) cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, theo số liệu báo cáo là trên 40%)”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Nâng cao đãi ngộ cho đội ngũ y tế
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người từng phụ trách điều hành Bộ Y tế, cho biết ngành “có một núi việc cấp bách cần giải quyết ngay”. “Việt Nam hiện có bình quân 8,8 bác sĩ/vạn dân, trong khi Úc là 36. Chỉ số này chúng ta mới đạt ngang Ấn Độ, cao hơn chút ít so với Indonesia... Những vấn đề hiện nay là thiếu điều dưỡng viên, nguyên lí 1 bác sĩ phải có 3-4 điều dưỡng viên, Nhật Bản tỉ lệ là 1/9, chúng ta chỉ có 1/1,5. Quy định hiện hành 30% ngân sách y tế chi cho dự phòng, nhưng ta mới chi 17%”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam tính trung bình là 1 triệu đồng/người/năm, không bằng 1/30-1/10 của các nước phát triển. Muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó. “Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ”, Phó Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. “Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ đạo. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính cho rằng theo Nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện. “Đây là 2 bệnh viện xương sống của bệnh viện công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế”, ông Phớc nói.
Trước tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, thiết bị y tế, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế và các cơ sở y tế, địa phương rà soát lại lần nữa, gửi về Bộ Tài chính để tiếp thu và đưa vào sửa đổi trong thời gian sớm nhất.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ nhân viên y tế
Tại hội nghị “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bộ Y tế kiến nghị, đề xuất Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Đồng thời sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.
Bộ Y tế kiến nghị nhiều chính sách đãi ngộ nhân lực y tế
Quyền Bộ trưởng đề xuất thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Bộ Y tế kiến nghị, đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hi sinh do mắc COVID-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.