Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều tại Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và họp mặt người có công tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu năm 2022
Ngày 26/7, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và họp mặt người có công tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu năm 2022.
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm. Ảnh NC
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có bài phát biểu tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh trân trọng đăng tải toàn văn bài phát biểu trên:
“Thưa toàn thể quý đại biểu và các vị khách quý!
Hôm nay, trong niềm xúc động và tự hào của cả dân tộc, Tỉnh ủy - HĐND - UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Trước hết, thay mặt lãnh đạo tỉnh, xin gửi đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Trong giờ phút trang nghiêm này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta kính cẩn, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc cách mạng tiền bối, các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý truyền thống nghìn đời của dân tộc ta. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, nên lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, Người đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” với lời lẽ mộc mạc, giản dị mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể Nhân dân và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mạng cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.
Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27/7/1947 được chọn là ngày Thương binh toàn quốc mở đầu bằng một cuộc mít tinh lớn tại Thái Nguyên. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Thưa các đồng chí và các vị đại biểu!
Bạc Liêu - vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ người dân Bạc Liêu luôn phát huy truyền thống yêu nước, có trên 71 nghìn người có công và thân nhân, trong đó có 12.565 người con Bạc Liêu đã anh dũng hy sinh và được công nhận là liệt sĩ; trên 06 nghìn thương, bệnh binh, trên 2.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 1.300 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, có 2.101 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 22.000 Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; gần 2.700 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng. Hiện nay, còn 9.300 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với kinh phí chi trả hơn 160 tỷ đồng mỗi năm từ nguồn ngân sách Trung ương.
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các mạnh thường quân, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần, động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đất nước, tiêu biểu là các hoạt động: Chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, dạy nghề, tạo việc làm; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm. Kết quả nổi bật là:
- Cơ bản hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ cho 5.107 hộ với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Xây dựng mới, sửa chữa 2.173 nhà ở phát sinh ngoài Đề án 22 với kinh phí trên 95 tỷ đồng.
- Phụng dưỡng suốt đời 62 Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ hỗ trợ 114 Thương binh nặng, chi trợ cấp điều dưỡng tại gia đình cho trên 2.000 người. Đời sống vật chất và tình thần gia đình chính sách từng bước được nâng cao. Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đã được công nhận là xã phường thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
- Thực hiện tốt công tác quản lý mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 04 nghĩa trang liệt sĩ; 02 Đài tưởng niệm, 48 Nhà bia ghi danh liệt sĩ. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay đã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình này với tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng.
Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao và biểu dương các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực hưởng ứng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Đặc biệt Tôi xin gửi đến 192 đại biểu người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 71 ngàn người có công và thân nhân người có công tỉnh nhà lời chúc sức khỏe, lời chào trân trọng nhất!
Thưa toàn thể quý đại biểu!
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã và đang có nhiều việc làm thiết thực để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng ngày một tốt đẹp hơn. Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn, việc chăm sóc sức khoẻ khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo và vẫn còn những trường hợp người có công chưa hoàn tất hồ sơ để hưởng chế độ và đến nay nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta.
Tôi đề nghị các cấp, các ngành, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn, thẩm định hồ sơ công nhận để những người có công được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước. Quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của họ; giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống để thực hiện bằng được mục tiêu: Các gia đình có công đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư.
Tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, Nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, làm cho mỗi gia đình người có công “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội” như Bác Hồ đã từng căn dặn.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách.
Thường xuyên tuyên truyền nâng cao truyền thống yêu nước, đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc, trân trọng tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ và những người có công với nước, biến nhận thức, tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thưa toàn thể quý đại biểu!
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta nguyện sống xứng đáng với những hy sinh, cống hiến cao cả và vĩ đại ấy; cùng nhau chung sức, chung lòng, đồng tâm, hiệp lực quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhân dịp này, một lần nữa, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các đồng chí thương bệnh binh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng. Xin nhiệt liệt biểu dương các ngành, địa phương, đoàn thể, đơn vị, tổ chức và cá nhân đã đóng góp, tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách. Mong rằng thời gian tới, mỗi chúng ta làm tốt hơn nữa công tác này; coi đây là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự của chúng ta, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Cuối cùng, một lần nữa xin kính chúc các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng cùng toàn thể các vị đại biểu, các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!”