Tp. HCM bàn giao toàn bộ mặt bằng để tiếp tục thi công 'dự án 20 năm' cầu Long Kiểng
Sáng 8/9, UBND huyện Nhà Bè và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh đã ký kết bàn giao – tiếp nhận bằng mặt để tiếp tục triển khai dự án xây dựng cầu Long Kiểng.
Một số trụ cầu Long Kiểng đã được thi công xong năm 2019. Dự án đã phải tạm dừng từ cuối năm 2019 do thiếu mặt bằng thi công. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Đây là dự án đã kéo dài hơn 20 năm kể từ khi phê duyệt.
Dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) được UBND Tp. Hồ Chí Minh duyệt năm 2001 và trải qua 3 lần điều chỉnh dự án năm 2007, 2017 và 2021. Dự án có quy mô phần cầu dài 318m, rộng 15m; phần đường dẫn có tổng chiều dài 661m với chiều rộng từ 18 - 29m.
Tổng mức đầu tư dự án là 589 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng là 211 tỷ đồng. Tổng khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng là là 2,6 ha đất, liên quan đến 128 trường hợp, hộ dân. Chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 325 tỷ đồng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2018, chủ đầu tư nhận mặt bằng từ 25 hộ dân và khởi công xây dựng cầu Long Kiểng.
Đến cuối năm 2019, dự án đã thi công xong các trụ T1, T2, T3, T4, T5, T6, T8 (đạt khoảng 40% tổng khối lượng công trình). Tuy nhiên, dự án đã phải tạm dừng thi công do không có mặt bằng, liên quan đến 103 hộ dân còn lại.
Trong suốt thời gian qua, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh cùng các sở ngành, địa phương đã tập trung kiểm tra, giám sát, khẩn trương giải quyết khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Sau hơn 2 năm, toàn bộ 100% mặt bằng liên quan đến 103 hộ dân còn lại đã được UBND huyện Nhà Bè bàn giao cho chủ đầu tư với sự đồng thuận cao của người dân, không có trường hợp nào phải cưỡng chế.
Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, đây là buổi lễ rất đặc biệt vì lần đầu tiên thành phố có lễ bàn giao và tiếp nhận mặt bằng giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư để triển khai dự án…
Cầu Long Kiểng đã qua 4 lần điều chỉnh dự án, kéo dài hơn 20 năm mà vẫn chưa thể hoàn thành. Sau khi tiếp nhận 100% mặt bằng, chủ đầu tư đã cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công và phấn đấu hoàn thành, đưa công trình vào phục vụ người dân địa phương cuối năm 2023.
Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm tại dự án cầu Long Kiểng, ông Võ Văn Hoan đề nghị lãnh đạo các địa phương trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nghiên cứu, vận dụng và nhân rộng những bài học kinh nghiệm trong bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án cầu Long Kiểng để thi đua đẩy nhanh tiến độ tất cả các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2026. Điều này giúp sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình phục vụ quốc kế dân sinh.
Theo Ban Giao thông, trong quý IV/2022 và năm 2023, hàng loạt dự án giao thông đã phải tạm dừng thi công do chậm trễ trong bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ được bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công.
Tiêu biểu là các dự án cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Nam Lý, cầu Ông Bồn, đường Lương Định Của (thành phố Thủ Đức); cầu Vàm sát 2 (Cần Giờ); đường Tên Lửa, đường Tân Kỳ - Tân Quý (Bình Tân); cải tạo đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng Hòa (Tân Bình)…/.