Giỏ hàng

Tưởng niệm người mất trong đại dịch COVID-19

 

Sáng 19/11, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 (TP Thủ Đức, TPHCM ) đã tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Nhân dịp này, tập thể y, bác sĩ của bệnh viện cũng đã tổ chức khám, tầm soát bệnh cho các em học sinh, trẻ mồ côi sau đại dịch.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch HĐND TP. Thủ Đức( TPHCM); BSCKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cùng đông đảo cán bộ hưu trí, quý thầy cô giáo, đại diện Ban điều hành các khu phố, đại diện các gia đình có người thân qua đời trong đại dịch, lãnh đạo, y bác sỹ các khoa phòng, tại bệnh viện.

 

BS CKII Trần Văn Khanh, phát biểu tại buổi lễ, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của lãnh đạo Đảng nhà nước, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước nói chung và y bác sỹ Bệnh viện Lê Văn Thịnh nói riêng không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”.

 

Cùng nhau đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình; nhiều cán bộ, chiến sĩ hoãn ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ.

 

Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy trên cả nước đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ… bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng chí.

Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối; nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ.

Đại dịch đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm: Cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ. Đại dịch "tràn qua", để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời - thật là xót thương, nhói lòng, rơi lệ.

 

Trong niềm xúc động và tiếc thương, thay mặt Lãnh đạo, y bác sỹ, nhân viên bệnh viện, tôi xin bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19; xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được yên giấc nơi cõi vĩnh hằng. Tôi thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ đau thương, mất mát với người thân của những người quá cố, mong các gia đình nén đau thương, vượt qua sự mất mát quá lớn này, dần trở lại cuộc sống bình thường, trong điều kiện mới. Nhất là các cháu bị mất cha, mẹ là một biến cố lớn trong cuộc đời. Đảng, Nhà nước, bà con lối xóm, họ hàng thân thích, sẽ đồng hành cùng với các cháu trên con đường bước vào đời. Tuy sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng tôi tin tưởng với sự giúp đỡ, chăm lo của Nhà nước, sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, sự yêu thương của họ hàng, thân tộc, các cháu sẽ được bù đắp một phần về tinh thần và vật chất; rất mong các cháu sẽ chăm ngoan, học tập tốt, trở thành những người có ích cho xã hội”, Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ.

 

 

Cùng ngày, bệnh viện tổ chức lễ Trị ân thầy cô nhân kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, dịp này, BV Lê Văn Thịnh tri ân hơn 40 thầy cô giảng dạy và trực tiếp tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Tấn Tai

Facebook Youtube Top