Vì sao nhà máy điện khí 4 tỷ USD ở Bạc Liêu than khó?
Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Liên quan đến dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý 2/2022 vào chiều 20/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều thông tin, các thủ tục liên quan đến dự án cơ bản đã hoàn thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, hiện nay, vẫn còn một số khó khăn phải chờ Chính phủ giải quyết. Cụ thể là việc chuyển đổi ngoại tệ, vấn đề này liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành Trung ương. Bởi vì, khi ký hợp đồng mua bán điện xong, sẽ chuyển đổi bằng tiền USD để thanh toán.
Phối cảnh nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu có vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bạc Liêu, dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu, do Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (của Singapore làm chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC) và các đối tác.
Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có tổng công suất 3.200MW. Tổng vốn đầu tư là 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD).
Tiến độ giai đoạn thực hiện dự án từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2027. Đến tháng 3/2022, nhà đầu tư đang thực hiện đàm phán hợp đồng PPA với Công ty Mua bán điện (EPTC) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (làm việc về cơ chế giá điện).
Đồng thời, đang hoàn thiện thiết kế về thỏa thuận hàng hải và các vấn đề khác có liên quan đến dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ theo cam kết với phía tỉnh Bạc Liêu.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực như: cung cấp nguồn điện sạch, ổn định đặc biệt là cho khu vực ĐBSCL; đảm bảo an ninh quốc gia… Đồng thời, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh.