Vùng cực Nam Tổ quốc: Tận dụng 'rừng vàng, biển bạc' phát triển du lịch
Năm 2022 Cà Mau tổ chức chuỗi sự kiện 'Cà Mau - Điểm đến 2022' với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm phát huy lợi thế 'rừng vàng, biển bạc' để phát triển du lịch.
Phát triển du lịch dựa vào lợi thế đặc trưng
Nằm ở vùng cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thông tin - Du lịch tỉnh Cà Mau, tỉnh này đang phát huy lợi thế trí địa lý độc đáo, “rừng vàng, biển bạc” và thế mạnh kinh tế nông ngư nghiệp với nhiều đặc sản ngon cũng như đặc trưng văn hóa vùng sông nước để tạo môi trường, không gian lý tưởng cho du khách trải nghiệm.
Cà Mau đang khai thác lợi thế vùng sông nước phát triển du lịch
Cụ thể, Cà Mau đang phát triển một số loại hình du lịch như bơi xuồng giăng lưới, đặt lú bắt tôm, cua, cá, soi ba khía...; xổ vuông ở vùng ngập mặn; đặt lợp bắt cá, hái rau rừng, ăn ong ở vùng ngọt rừng tràm U Minh Hạ... Cùng với đó, từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh, Cà Mau đã đầu tư xây dựng, kết nối các tuyến đường giao thông huyết mạch, kết cấu hạ tầng kinh tế vùng nông thôn kết nối, phát triển tour du lịch, đặc biệt là trải nghiệm du lịch xanh; các dịch vụ thương mại; sản phẩm đặc trưng OCOP làm quà tặng; phát huy giá trị các làng nghề truyền thống...
Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn đã phối hợp cùng Sở, ngành địa phương xây dựng được 17 điểm du lịch sinh thái cộng đồng, trong đó có 3 điểm du lịch sinh thái vùng ngọt rừng tràm U Minh Hạ, quy mô phục vụ 300-500 lượt khách/điểm du lịch; ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình chủ động mở dịch vụ du lịch sinh thái nhà vườn, cho khách tham quan, thư giãn với không gian vườn, cà phê, câu cá, giải trí, trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng sông nước Cà Mau…
Thực tế, để làm được như vậy, trong công tác quy hoạch, đề án thu hút đầu tư phát triển du lịch đã được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch được tập trung đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, tạo điều kiện kết nối các tuyến du lịch, mở rộng thị trường thu hút khách du lịch.
Điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách
Nhờ sự quan tâm của chính quyền cũng như sự chung tay từ doanh nghiệp địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng chùm tour hấp dẫn… đã và đang giúp du lịch Cà Mau từng bước thu hút du khách trở lại sau dịch. Theo đó, chỉ tính trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Cà Mau đã đón trên 83.000 lượt khách đến tham quan, tăng trên 67% so cùng kỳ. Đặc biệt, với các du khách tới Cà Mau họ đều có ấn tượng đẹp và khẳng định sẽ chia sẻ thông tin cũng như rủ bạn bè trở lại với vùng đất này.
Chị Lê Thu Ngân- một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, dù chỉ lần đầu tới Cà Mau nhưng hành trình tour ở địa phương này đã cho chị nhiều ấn tượng khó quên. “Tôi đã đến các điểm du lịch sinh thái rừng ngập mặn ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; tham quan khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau và có nhiều trải nghiệm thú vị. Ngay khi về lại TP. Hồ Chí Minh tôi đã giới thiệu cho những người bạn của mình và đề xuất họ nên khám phá trong các chuyến du lịch tới”- chị Ngân chia sẻ.
Còn với anh Dương Văn Giáp, du khách đến từ Hưng Yên thì đến du lịch tại vùng cực Nam của Tổ quốc khiến anh cảm thấy rất thích thú, nhất là khi được đi trải nghiệm xuyên rừng bằng cano. “Đây là lần thứ 3 tôi trở lại Cà Mau vì vùng đất này có nhiều đặc biệt như khí hậu trong lành, người dân mến khách và đặc biệt là có nhiều món ăn đặc sản như cá thòi lòi, ba khía, cua, tôm…”-anh Giáp cho biết.
Năm 2022, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến”, trong đó có nhiều hoạt động hấp dẫn được diễn ra trên địa bàn xã Đất Mũi như lễ thượng cờ thống nhất non sông; ngày hội ẩm thực Đất Mũi; giải Đất Mũi Marathon - Cà Mau 2022,... Đây được xem là cơ hội để địa phương thúc đẩy phát triển du lịch một cách hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh, về đất nước, con người và hình ảnh du lịch của địa phương cùng du khách.
Trong năm 2022, các hoạt động trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022”, như: Lễ hội Nghinh Ông (Sông Đốc); Lễ hội Tri ân quốc Tổ (Ngọc Hiển và Thới Bình); Họp mặt doanh nghiệp, gắn với hoạt động trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh; sự kiện Hương rừng U Minh với “Hành trình đến du lịch xanh”; Ngày hội bánh dân gian Nam bộ; “Lễ hội cua Cà Mau”… sẽ lần lượt được tổ chức nhằm tạo điểm nhấn, quảng bá và vực dậy tiềm năng du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau sau dịch.