Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước
Ngày 26/12, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết các mặt công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng yêu cầu, năm 2023, địa phương cần có những giải pháp sáng tạo và chủ động hơn để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải dám nghĩ, dám làm, làm đúng quy định của pháp luật để tiếp tục thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh. Chính quyền phải quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, điểm du lịch, nhất là du lịch sinh thái kết hợp với điện gió và dịch vụ giải trí cao cấp ven biển. Đồng thời, ưu tiên tập trung công tác giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với gia đình thương binh - liệt sỹ, người có công, công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trước mắt là chăm lo Tết Nguyên đán năm 2023 cho người nghèo...
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Năm 2023, Bạc Liêu đặt mục tiêu đạt tốc độ phát triển kinh tế (GRDP) 10%. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành hạ tầng và thu hút doanh nghiệp đầu tự vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước". Đồng thời, tỉnh chú trọng phát triển kinh tế biển, nâng cao hiệu quả nghề khai thác thủy hải sản gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh phát triển cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ lúa gạo; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho nông, thủy sản. Địa phương tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; tiếp tục quan tâm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Song song với quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tập trung đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; kịp thời triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; tăng cường tuyên truyền những kết quả đạt được năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của địa phương...
Quang cảnh hội nghị.
Năm 2022 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,6% (đứng thứ 4/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 15/63 cả nước). Tuy nhiên, địa phương vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ như: Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chưa năng động, quyết liệt, có lúc còn lơ là, chủ quan trong thực thi nhiệm vụ; chưa quan tâm đúng mức công tác giải phóng mặt bằng; kết quả thực hiện công tác giảm nghèo dù đạt chỉ tiêu đề ra nhưng chưa bền vững; công tác truyền thông, quảng bá du lịch chưa sâu rộng...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc khắc phục những hạn chế, khó khăn; đồng thời đề xuất những giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao của đơn vị, địa phương trong năm 2023 như: khẩn trương triển khai nhanh các giải pháp nhằm giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 95%; chủ động triển khai sớm kế hoạch đầu tư công năm 2023; giải pháp nâng cao chỉ số PCI, thực hiện hiệu quả các chính sách, mô hình giảm nghèo bền vững; các giải pháp thực hiện quy hoạch, mở rộng không gian đô thị, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...
TTTXVN